1. nguyen oanh

    nguyen oanhThành Viên Cấp 1

    Tham gia ngày:
    23 Tháng chín 2015
    Bài viết:
    59

    Toàn Quốc Xóm nhặt rau muống thuê giữa lòng Sài Gòn

    Thảo luận trong 'Linh tinh' bắt đầu bởi nguyen oanh, 2 Tháng mười 2015.

    Do cuộc sống ở quê quá khổ cực, những người lao động nghèo đã kéo nhau lên Sài Gòn, tập trung lại thành một làng nhặt rau muống thuê mưu sinh.

    Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ thuộc khu Rạch Gò Dưa, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, làng nhặt rau muống thuê đã được hình thành từ hơn 10 năm nay. Đa phần những người làm việc tại đây đều là người nghèo khổ, hoàn cảnh gia đình khó khăn đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Nơi đây là khu tập trung của hơn 20 hộ gia đình làm nghề lặt rau muống thuê, phần đông là phụ nữ còn nam giới thì chủ yếu lo khâu vận chuyển và bốc vác rau muống lên các xe tải để đem đi nơi khác tiêu thụ.


    Mỗi bó rau muống đã nhặt xong như thế này có giá là ba ngàn đồng. Một ngày nếu cố gắng lắm thì củng chỉ có thể làm được vài chục ngàn đồng.

    Công việc hằng ngày của những người nơi đây là nhận từng bó rau muống từ các ruộng rau muống trong vùng, sau đó đem tuốt sạch những lá trên thân cây chỉ để lại phần thân. Cứ thế mỗi ngày họ làm việc từ 8h sáng cho tới khi trời tối. “Có lúc vì túng thiếu tiền quá, con cái thì khóc vì đói, chủ trọ cứ liên tiếp hối đóng tiền nhà nên nhiều hôm chị em chúng tôi phải làm tận tới khuya, bao giờ không còn đủ sức để ngồi nhặt nữa thì chúng tôi mới nghỉ tay”, chị Võ Thị Lan (36 tuổi, quê Sóc Trăng) nói.

    Dù làm việc mệt mỏi liên tục cả ngày nhưng số tiền mà những người lao động nơi đây kiếm được không thể nào cao hơn 60.000 đồng/một ngày. Những lao động tại đây rất đa dạng về độ tuổi, từ trung niên cho đến những cụ già 80- 90 tuổi, thậm chí cả những đứa trẻ đáng ra phải đang được cắp sách đến trường, nhưng phải đành dừng lại công việc học tập để kiếm cái ăn qua ngày.

    Nếu người nào trẻ, làm quen tay thì một ngày có thể nhặt từ 20 đến 30 bó, mỗi bó giá chỉ 3.000 đồng. Bà Ngô Thị Tự, 58 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, chia sẻ: “Tôi làm việc tại đây đã hơn 3 năm nay, ở quê ruộng đất không có, cuộc sống bế tắc nên đành phải dắt theo 2 con vào đây làm ăn, kiếm bữa cơm qua ngày. Tuổi gần 60 rồi nên mắt kém, tay chân chậm chạp, hôm nào cố gắng lắm thì có thể kiếm gần 40.000 đồng, còn nhiều hôm mệt mỏi không đủ sức thì chỉ có thể làm 2 - 3 bó rồi về nhà nằm nghỉ”.

    Làm việc trong môi trường nước bẩn và nhựa rau, bàn tay của những người lao động nơi đây trở nên chai sạn, nổi lên nhiều bọng nước nhỏ khiến ngứa ngáy, thậm chí là lở loét cả bàn tay

    Tuy công việc ngồi nhặt rau muống mỗi ngày tại đây không quá khó khăn, vất vả nhưng hằng ngày họ phải tiếp xúc với nước bẩn, nhựa rau muống nên tay chân của ai nấy đều sần sùi, lở loét. Nước bẩn ăn vào tay càng làm cho những đôi tay này trở nên ngứa ngáy, thậm chí là sưng các khớp khiến đau nhức không thể làm việc được.

    Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Út( 47 tuổi, quê Bắc Ninh) nghẹn ngào: "Lúc mới vào tôi chỉ làm 2 ngày đầu là tay chân bắt đầu ngứa ngáy, nổi lên các bọng nước nhỏ, nghĩ đơn giản nên mua thuốc bôi sau mỗi tối đi làm về. Càng ngày các ngón tay bắt đầu lở ra, sau đó các khớp đầu ngón tay sưng lên, nhưng vì mỗi ngày làm chỉ được có vài chục ngàn đồng, tiền đâu mà đi khám với thuốc thang. Nhưng nếu không làm công việc này thì biết kiếm đâu ra việc mới để mà làm, rồi còn phải lo cho con nhỏ nữa”.

    Dù biết là nguy hiểm nhưng những người lao động nơi đây đều không muốn đeo găng tay, vì nếu đeo vào sẽ vướng víu khiến cho năng suất ít đi. Họ chấp nhận hy sinh đôi tay của mình để kiếm thêm vài chục ngàn đồng, trang trải cho cuộc sống.

    Cuộc sống quá bận rộn khiến cho các đứa trẻ ở nơi đây thiếu hụt đi sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Hầu hết các gia đình nào có con nhỏ đều đóng một cái chuồng gỗ sát vách nhà. Cả ngày lũ trẻ chỉ được phép hoạt động trong cái khung gỗ nhỏ bé này cho tới khi bố mẹ chúng đi làm về. Dường như đối với lũ trẻ, được vui chơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là điều không thể. Nhìn những thân thể gầy gò khiến cho chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng, xót thương cho những chồi non có thể sẽ phải thất học trong tương lai, chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

    Dù Sài Gòn có hào hoa, tráng lệ đến bao nhiêu thì đâu đó phía sau vẫn luôn ẩn hiện những mảnh đời còn khổ cực. Phía sau những tòa nhà, căn hộ hoành tráng kia vẫn luôn thấp thoáng những xóm nhà ổ chuột, những con người ngày đêm làm việc mệt khổ, nhưng vẫn không thể nào đủ để có một cuộc sống đơn giản nhất.
     

Chia sẻ trang này