Dịch vụ truyền hình trả tiền của VNPT và VTC trong năm 2016 đều phát triển chậm, tỷ lệ thuê bao rời mạng cao do bị các đơn vị truyền hình cáp cạnh tranh mạnh về giá. Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào chiều ngày 23/1/2017, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, dịch vụ truyền hình MyTV vẫn đang trên đà suy giảm thuê bao do bị cạnh tranh mạnh bởi dịch vụ truyền hình cáp. Theo ông Hùng, trong dịch vụ truyền hình trả tiền, các nhà mạng chỉ mua nội dung và bán thuê bao bị thiệt thòi hơn so với nhà đài rất nhiều. Do các nhà đài như SCTV, VTVcab có lợi thế vì có nội dung và được doanh thu từ quảng cáo rất lớn. Họ có thể lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù chéo, giảm giá thuê bao, do đó những nhà mạng kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp, IPTV không có giấy phép sản xuất nội dung, không có nguồn quảng cáo bù vào doanh thu, do đó xét về cấu trúc giá cước sẽ bị thiệt thòi hơn các nhà đài rất nhiều. Do dịch vụ truyền hình IPTV bị suy giảm nên Tập đoàn VNPT sẽ chuyển hướng phát triển dịch vụ truyền hình qua Internet theo giấy phép đã được cấp. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC hôm 19/12/2016, ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng Giám đốc VTC cũng nêu ra việc dịch vụ truyền hình số vệ tinh của VTC đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các đối thủ có tiềm lực mạnh về hạ tầng viễn thông, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giảm giá thành, dịch vụ truyền hình vệ tinh VTC chịu áp lực cạnh tranh lớn cả trực tiếp (K+ và MobiTV) và gián tiếp bởi dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình IPTV. Dẫn đến tốc độ phát triển thuê bao mới trong những năm gần đây rất thấp, tỷ lệ thuê bao rời mạng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các mô hình dịch vụ mới như truyền hình qua OTT, truyền hình di động cũng là những thách thức lớn đối với mảng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTC. Cũng theo ông Nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ có tiềm lực tài chính mạnh chấp nhận bù giá, chịu lỗ lớn để chiếm lĩnh thị trường trong khi các quy định về khuyến mãi, chống bán phá giá trong truyền hình trả tiền chưa phát huy tác dụng. Tại các hội nghị trong thời gian gần đây, VTC đã liên tục đưa ra kiến nghị: Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá cước, cũng như quản lý các chương trình khuyến mãi trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, để chống hiện tượng bù chéo dịch vụ, bán phá giá để cạnh tranh là rối loạn thị trường.Dịch vụ truyền hình MyTV có tỷ lệ thuê bao rời mạng cao trong năm 2016. Vấn đề quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền để chống bán phá giá liên tục được các doanh nghiệp truyền hình, Hiệp hội Truyền hình trả tiền đưa ra trong vòng 3 năm trở lại đây. ICTnews cũng có nhiều bài viết phản ánh các ý kiến của doanh nghiệp về vấn đề này, tuy nhiên theo Luật Giá hiện hành, truyền hình trả tiền không phải là dịch vụ thiết yếu nên không nằm trong danh mục dịch vụ nhà nước phải quản lý giá. Do đó, để có căn cứ quản lý giá phải kiến nghị sửa đổi Luật Giá để nhà nước bổ sung truyền hình trả tiền vào danh mục cần quản lý giá, khi đó mới có cơ sở để Bộ TT&TT có biện pháp quản lý. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc xem xét bổ sung dịch vụ truyền hình vào danh mục nhà nước quản lý giá. Vì số lượng các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình ngày càng tăng lên và truyền hình đang dần trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều người dân. Trong lĩnh vực viễn thông, nhà nước đã có tiền lệ quy định đơn vị nào chiếm thị phần chi phối thị trường, có số lượng thuê bao lớn sẽ bị quản lý giá. Đối với truyền hình nếu xét từng doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không có doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo Luật Viễn thông, nhưng nếu tính theo số vốn cộng lại tại các doanh nghiệp trực thuộc thì sẽ xuất hiện những đơn vị truyền hình lớn có sở hữu số lượng thuê bao lớn. Như vậy, để có thể quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình, hiện có hai phương án: Một là kiến nghị sửa đổi Luật Giá để quản lý theo Luật Giá, hai là áp dụng theo Luật Viễn thông quản lý giá dịch vụ của doanh nghiệp có thị phần khống chế.Theo ICTnewsTham khảo truyền hình Mytv VNPT tại website mytvvnpt.net