GIỚI THIỆU CHUNG VỀ ĐÀN PIANO Vào giữa thế kỷ 18, đàn piano xuất hiện (trước được gọi là đại dương cầm) thay thế hoàn toàn cho vai trò của đàn clavecin (cla-vơ-xanh) rất thịnh hành trước đó. Đàn clavecin - tiền thân của đàn piano - dùng hệ thống máy gảy dây lúc ấn tay lên phím đàn. Âm thanh vì thế tuy rõ ràng nhưng ko ngân dài được, cũng như âm thanh của đàn dây khi sử dụng kỹ thuật pizzicato. Lại có 1 nhược điểm lớn là không tiết chế được sắc thái, cường độ luôn luôn đều đều khó biến đổi phong phú. Đàn piano dùng hệ thống búa con gõ lên dây đàn, nên so với clavecin có 1 ưu thế hơn hẳn, sắc thái có thể biến đổi nhanh nhạy, từ cường độ rất lớn đến cường độ rất bé (fff - ppp). Cũng vì lý do đó, từ đầu, cây đàn được mang 1 cái tên hơi kỳ lạ: "PIANOFORTE", giải nghĩa: piano = khẽ; forte = mạnh (viết tắt là p và f), với cái tên này, cây đàn có thể thể hiện được mạnh hay khẽ tuỳ ý, không phải lúc nào sắc thái cũng đều đều như ở clavecin.Đàn piano chia làm 2 loại: - loại nhỏ: hình dáng giống chiếc tủ đứng dùng trong phòng tập - hay còn được gọi là upright piano. - loại lớn: có hộp cộng minh nằm ngang cùng hệ thống dây đàn, khung đàn để âm thanh vang xa thường được gọi là đại dương cầm - grand piano. Đàn piano thường có 2 bàn đạp (pedals): chiếc bên trái để giữ tiếng khỏi ngân (giúp âm thanh bé hẳn lại), chiếc bên phải để buông cho dây ngân lâu và âm thanh vang hơn. Cũng có trường hợp thêm 1 chiếc pedal thứ 3 nằm ở giữa, có tác dụng che mờ tiếng, âm thanh trở nên rất khẽ, thường chỉ dùng vào lúc tập để không ảnh hưởng đến người khác.Cao Độ - Âm Vực Đàn piano có âm vực rất rộng. Toàn bộ âm vực của đàn bao gồm 1 phạm vi hơn 7 quãng 8, có khi đến 7 quãng 8 rưỡi. Trên mặt đàn có 2 loại phím: phím trắng và phím đen. Tất cả các phím trắng được sắp đặt theo hệ thống gam Đô (C) nguyên cung. Những phím đen chen vào giữa hai phím trắng chia đôi các quãng 1 cung thành bán cung. Hệ thống phím đen hình thành 1 lối sắp đặt theo gam ngũ cung (pentatonic). Ở âm vực trầm âm thanh hơi tối, càng lên cao càng sáng. Nói chung, có thể sử dụng toàn bộ khả năng âm thanh của đàn piano để thể hiện vào tác phẩm, âm hưởng so với đàn clavecin đầy đặn, tròn trính, có lực hơn. Ở sắc thái khẽ, sự truyền cảm vẫn rất mạnh mẽ, âm thanh dịu dàng êm đẹp. Những nốt cực trầm và những nốt cực cao thường ít khi được dùng đến.Những vấn đề kỹ thuật 1: Trong những tác phẩm không phức tạp lắm, đàn piano chỉ ghi trên 2 khuông nhạc cũng như đàn Harp, thông thường dùng khoá Sol và khoá Fa, không dùng khoá Đô. Hoá biểu được đặt như thường lệ. Với những trường hợp phức tạp, người ta có thể dùng 3-4 khuông nhạc. 2: Đàn piano có thể diễn tấu được hết sức nhanh các nét chạy gam đủ loại: gam 5 cung, gam 7 cung, gam 12 bán cung, cũng như các lối chơi hợp âm rải từ cao xuống thấp hoặc từ thấp lên cao trong tất cả mọi âm vực. 3: Glissando của piano khác với glissando của đàn Harp [đàn háp-pơ] (có nhiều lúc glissando của đàn harp không thể sử dụng được ở piano). Lối glissando thông thường là miết ngón tay lên dãy phím trắng vuốt từ trên xuống hay ngược lại, tạo 1 glissando trên các nốt của hàng âm tự nhiên (không có dấu thăng giáng). Nhưng cũng có thể dùng glissando của lối chạy ngón lên cả các phím đen, tạo nên 1 glissando của âm ngũ cung. 4: Đàn piano có thể sử dụng kỹ thuật legato, non-legato, staccato một cách rất dễ dàng. Người viết có thể sử dụng thoải mái các thủ pháp này. 5: Những nét chạy 1 chiều, chạy gấp khúc, nhảy cách quãng, các nốt nhắc lại, trémolo,... đều có thể sử dụng được. Thậm chí, có khi do nét chạy ngược chiều, hai tay cách xa nhau tạo thành 1 quãng rỗng ở âm vực giữa. 6: Mỗi tay thường chỉ dùng nhiều nhất là đến năm nốt, trường hợp nhiều nhất có thể lên đến 6-7 nốt (ngón cái có thể bấm vào 2-3 phím liền bậc cùng 1 lúc). Do đó, hợp âm trong piano dùng có thể thoáng, nhưng cũng có thể rất đậm, nhiều nốt, hiệu quả chặt chẽ, dày và khít. 7: Có thể dùng sắc thái để thay đổi dần hoặc đột ngột rất tốt từ ppp (cực khẽ) đến fff (cực mạnh). Đây là đặc điểm hơn hẳn của đàn piano so với clavecin trước kia. 8: Nếu rập hợp âm, các nốt sắp đặt cho mỗi tay không nên quá quãng tám. Trong những trường hợp bất thường, có thể viết cho mỗi tay lên đến quãng 10. 9: Cũng có khi tay phải đang chạy tiếp 1 nét nhạc nào đó, tay trái có thể chơi lên âm vực cao hơn, tạo thành những thế biểu diễn chéo tay. Trường hợp đó có thể hoàn toàn chấp nhận, không gây 1 sự trắc trở nào cả. Cũng có khi 2 tay đan vào nhau trong cùng 1 âm vực, chỉ cần tránh những thế tay không hợp lý làm vướng víu đến việc diễn tấu. 10: Đàn piano lúc cần giữ tiếng ngân dài, người ta có thể sử dụng phương pháp nhấn bàn đạp (pedal), ký hiệu là péd. Lúc không dùng bàn đạp nữa phải ghi ký hiệu hoa thị . Hiệu quả sử dụng bàn đạp: âm thanh vang, các nốt còn ngân dài quyện vào nhau thành 1 nền hoà thanh chặt chẽ, có khi mượt mà, tạo nên 1 cảm giác đậm đà, ấm áp. Nhưng nếu không ngắt đúng chỗ, các nốt của hợp âm trước và sau sẽ trộn lẫn vào nhau, tạo thành 1 hiệu quả hoà thanh khác hẳn, dễ tác hại đến dự định của tác giả.Sử dụng trong dàn nhạc Đối với nền âm nhạc chuyên nghiệp, hiện nay đàn piano đóng 1 vai trò cực kỳ quan trọng, là 1 loại nhạc khí phổ biến, được xem như là nhạc khí cơ bản ở Châu Âu và nói chung trên thế giới. Những tác phẩm viết cho đàn piano chiếm 1 khối lượng khá lớn, chính là vì khả năng đa dạng của piano cho phép. Do tính chất và kỹ xảo phong phú, đàn piano có thể thể hiện được đầy đủ tất cả các mặt giai điệu cũng như hợp điệu (tính chất hoà thanh và tính chất phức điệu) 1 cách đầy đủ trọn vẹn. Tự đàn piano có thể đi độc lập 1 mình, không cần bất cứ 1 nhạc khí phụ hoạ nào. Không những thế, do tính chất đa thanh của nó, đàn piano có thể đệm cho tất cả các trường hợp cần thiết: đệm cho hát và cho các thứ nhạc khí khác. Người ta gặp piano xuất hiện trong rất nhiều hình thức tác phẩm khác nhau: đàn piano đi độc tấu có dàn nhạc đệm hoặc không có dàn nhạc đệm, trong những hình thức tiểu phẩm cho đến Sonat (xô-nát), Concerto (công-xéc-tô) quy mô. Cũng có khi song tấu piano, tam tấu piano, thậm chí có tứ tấu piano, trong đó mỗi đàn piano đều giữ chức năng quan trọng tương tự (có khi gọi là hình thức piano 4 tay: 2 người biểu diễn; 6 tay: 3 người biểu diễn; 8 tay: 4 người biểu diễn). Trong các hình thức concerto, có những trường hợp không dùng dàn nhạc mà sử dụng 1 cây piano khác giữ vai trò thay thế cho dàn nhạc. - Đàn piano trong các hình thức nhạc thính phòng khác: đệm cho các nhạc khí độc tấu (flute, clarinette[cla-ri-nét], oboe [ô-boa], faggotto [fa-gốt], cho các nhạc khí bộ dây, cho kèn cor, cho trompet và trombone [trôm-bôn]... cho tất cả các nhạc khí bộ gõ diễn tấu, và tham gia trong các thể loại: bộ 3, bộ 4, bộ 5, 6, 7, 8 nhạc cụ hoà tấu (tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu,...) trong nhạc thính phòng. - Đệm cho các thể loại biểu diễn thanh nhạc: đệm cho đơn ca, song ca, tốp ca, đệm cho các thể loại hợp xướng thuần chất giọng nữ, hợp xướng thuần chất giọng nam, hợp xướng hỗn hợp giọng nam và giọng nữ (còn gọi là hợp xướng hỗn thanh), hợp xướng thiếu nhi,... - Tham gia trong các hình thức dàn nhạc giao hưởng với vai trò bình đẳng cùng các nhạc khí khác hoặc dưới hình thức Concerto... - Trước kia đàn piano không tham gia dàn nhạc giao hưởng, có lẽ cũng vì xuất hiện hơi muộn, phải qua 1 thời kỳ thử thách thử nghiệm. Nhưng hiện nay người ta đã sử dụng nhiều đến nó, và cố gắng tận dụng tính chất phát âm rắn rỏi cương nghị, có lực mạnh mẽ dứt khoát của piano trong dàn nhạc giao hưởng. Nói chung đàn piano gần như có thể thể hiện được hết các phần viết cho Harp, trừ 1 số glassando riêng biệt, nên trong những trường hợp không thể nào giống hệt nhau: đàn harp mỏng mảnh, nhiều chất thơ, chất trữ tình hơn, các ngón tay truyền cảm trực tiếp lên dây đàn, piano tiếng đanh, rắn hơn, và cũng có phần khó diễn cảm hơn bởi ngón tay phải gián tiếp qua phím đàn truyền lên các búa gõ vào dây đàn. Tuy kỹ thuật linh hoạt hơn, không phải dùng đến các pedals truyền dây phức tạp. - Cách viết piano trong dàn nhạc giao hưởng cũng khác cách viết piano thông thường: không xem như 1 loại nhạc khí độc tấu, ít phải tận dụng các kỹ xảo phức tạp. Chủ yếu chỉ là bổ sung cho cảm giác tiết tấu mạnh mẽ, tươi sáng, hoặc có thể trang nghiêm, nhiệt tình, sôi nổi. - Phương pháp thuận lợi được ưa dùng từ trước đến nay là muốn viết cho toàn bộ dàn nhạc, người ta viết khái quát cho đàn piano, để từ đó mới rút tỉa ra cho dàn nhạc giao hưởng. Theo ý kiến của nhiều người, đây là phương pháp tốt nhất để có 1 ý niệm khái quát về PANORAMA (toàn cảnh) của tác phẩm trước khi lên khung tỉ mỉ (phương pháp tốt nhất, nhưng không phải là phương pháp duy nhất, vì có rất nhiều người soạn nhạc quen viết trực tiếp cho dàn nhạc không qua bước viết cho piano mà vẫn tạo được nhiều hiệu quả rất đặc sắc thú vị.