NDĐT - Ngày 1-4, cùng với các địa phương trong toàn quốc, Hà Tĩnh tiến hành tổ chức cân xe lưu động tại khu vực Bến xe phía nam thị xã Hồng Lĩnh theo chỉ thị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Tuy nhiên, một lần nữa, tình trạng hàng trăm xe tải nằm dài ở hai đầu trạm cân để "né" trạm cân lại tiếp tục tái diễn. Sự bất hợp tác của lái xe đã gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. 7 giờ ngày 1-4, cùng với các địa phương trên toàn quốc, Hà Tĩnh tiến hành triển khai việc cân tải trọng xe lưu động tại khu vực Bến xe phía nam thị xã Hồng Lĩnh. Sau hơn 12 tiếng tiến hành cân xe dưới thời tiết oi bức, nhưng chỉ có 18 xe “chui” vào Trạm kiểm tra tải trọng xe Hà Tĩnh (trạm số 12), trong đó chỉ có bốn xe quá tải với mức xử phạt 17 triệu đồng… Số xe tự nguyện vào trạm cân so với các ngày trước đây là khá cao và tỷ lệ xe vi phạm quá tải là không lớn. Vì theo số lái xe này, đã rõ thông tin đồng loạt cân xe, nên đã yêu cầu chủ hàng chất đủ tải lên…Dàn xe vận tải hàng hóa Bắc Nam chờ qua trạm Nhưng xem ra, số lượng xe tự giác vào cân là ít so với dòng xe tải lên đến hàng trăm chiếc vẫn nối đuôi nhau nằm chờ dọc theo quốc lộ (QL) 1A đoạn từ thị xã Hồng Lĩnh vào đến tận Can Lộc, chưa kể một số khác lựa chọn quán cơm, cây xăng để "né" trạm cân dưới cái nắng chớm hè gay gắt… Tất cả các lái xe đều chờ thời điểm Trạm số 12 “bãi triều” mới tiếp tục hành trình. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ xe tải nằm chờ “né” trạm cân ở phía nam phần lớn là xe tải mang biển số các tỉnh phía nam. Trong số này không ít xe chở hàng tươi sống (hoa quả). Cả một đoàn xe nằm dọc QL 1 từ đoạn nam bến xe Hồng Lĩnh vào đến tận Vượng Lộc (Can Lộc) dài hơn 10 km; nhiều xe còn nằm cụm lại tại các cây xăng Hùng Hiếu, … Còn ở phía bắc trạm, xe nằm rải rác từ dốc Đậu Liêu ra đến phường Bắc Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh) và chủ yếu là các xe chở vật liệu xây dựng (xi-măng, đất cát) của các công ty vận tải của địa phương như: VH, HS… Theo lời của một lái xe tải đường dài, nếu bị xử lý đối với xe chở quá 50%, mức phạt sẽ từ 5 đến 7 triệu đồng, cộng với chi phí hạ tải hoặc bị tước giấy phép lái xe vài tháng nên hầu hết đều tìm cách "né" trạm cân, kể cả số xe chở hoa quả tươi sống cũng vậy.Hướng dẫn xe vào trạm cân Một tài xế lái xe hoa quả cho hay: “Qua phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, ngày 1-4, đồng loạt toàn quốc ra quân kiểm tra quá tải tại các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhưng không nghĩ lại làm căng như vậy. Nếu trạm 12 này mà làm suốt đêm thì tôi phải tính nước ngược lên đường Hồ Chí Minh để tránh hoa quả khỏi hư hỏng”. Để đối phó với tình trạng xe nằm dài trên quốc lộ 1 để “né” trạm cân, cán bộ Trạm số 12 đã mang cân tải trọng lưu động đến các địa điểm xe dừng đậu để kiểm tra, nhưng các tài xế đã không hợp tác, khóa xe và đi khỏi khu vực... Xem ra việc cân xe lưu động vẫn “bất lực” trước xe quá tải dù đã triển khai đồng loạt tại các địa phương…. Theo Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng xe Hà Tĩnh Nguyễn Trần Toản cho biết: “Việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, riêng việc hạ tải, do thiếu các điều kiện cần thiết nên chưa thể tiến hành được..." Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, do thiết bị máy móc bị sự cố, trạm cân số 12 mới dừng việc kiểm tra tải trọng xe thì cũng là lúc đoàn xe quá tải mới ào ào vượt trạm. Một điều đáng nói, “ăn theo” việc đồng loạt triển khai cân tải trọng xe, một số chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường bộ lớn ở Nghệ An và Hà Tĩnh mấy ngày nay đều không ký nhận hợp đồng vận chuyển hàng hóa, với lý do để xem trạm cân tải trọng xe làm có căng không, có phải hạ tải thực sự ?…, đồng thời lên phương án tăng giá cước khi đó mới ký hợp đồng vận chuyển. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay hơn trước tình trạng xe chở quá tải.