Nép mình vào núi, từ xưa đến nay Văn Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) được coi là cái nôi của nghề thêu truyền thống lâu đời của nước ta. Theo sử sách, nghề thêu Văn Lâm được biết đến từ 700 năm về trước. Những tấm lụa thêu mượt mà, óng ả hiện diện trong các dinh thự sang trọng, những bậc giàu sang như một niềm kiêu hãnh của cuộc sống phú quý, vương giả. Ngày nay, có dịp về Văn Lâm, bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy từ những đứa trẻ lên 10 đến các lão niên trong làng ai cũng biết cầm kim thêu họa. Nhìn dáng người thong thả buông kim, ai cũng nghĩ đây là một nghề nhàn hạ. Nhưng để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, bên cạnh sự tài hoa của đôi bàn tay khéo léo, con mắt tinh tường, người thợ phải có một đức tính bền bỉ, kiên nhẫn. Trong các bức hình thêu trên nền vải, phải nói rằng, công phu nhất vẫn là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, con giống... Đường chỉ thêu có mịn màng, đều đặn, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị cao, nghệ thuật thẩm mỹ càng đến độ tuyệt vời. Ở Văn Lâm, sau mỗi đợt nông vụ, cấy hái xong xuôi, hầu như tất thảy các hộ gia đình trong làng đều bắt tay vào nghề thêu. Tuy nhiên do tính chất làm ăn nhỏ lẻ, nghề thêu đã từng bị đánh bật ra khỏi thị trường bởi công nghệ, rồi cũng có lúc tưởng chừng nghề thêu như biến mất. Với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của quê cha đất tổ, từ vùng đất Văn Lâm, nhiều nhóm, cơ sở sản xuất mọc lên khắp nơi trên dải đất Ninh Bình. Cũng từ đây thêu Văn Lâm có mặt khắp nơi trên các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Ý, Pháp... Một cơ sở thêu ren có tiếng ở Ninh Bình được nhiều người biết đến đó là Công ty Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Đông Thành, nơi chuyên cung cấp các sản phẩm thêu ren, làm hàng cho công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mặt hàng thêu ren ở đây khá phong phú về chủng loại, kích thước có thể kể đến như chăn, ga trải giường, gối, khăn ăn... Cô Duẩn, người thợ mẫu có 40 năm kinh nghiệm trong nghề làm việc tại Công ty Đông Thành cho biết: "Càng ngày khách hàng càng khó tính, thị trường đòi hỏi đa dạng về chủng loại, phong phú về hình ảnh sắc màu nên các đơn đặt hàng thường cầu kỳ hơn. Trong đó phải kể đến đơn đặt hàng thêu chăn của Công ty cổ phần Linh Vân (Hà Nội) với nhãn hàng chăn ga gối Sentory, nó đặc biệt và khác lạ rất nhiều so với những nơi khác". Theo cô Duẩn, nếu như ở các cơ sở khác những mẫu thêu thường thấy vẫn là hoa lá, chim muông đơn giản, bàn tay người thợ chỉ cần theo nếp cũ, truyền nghề như xưa là có thể thoăn thoắt tạo hình. Thế nhưng đối với những mẫu thêu của Linh Vân thì lại khác, tất cả đều được lấy cảm hứng từ các nhân vật cổ tích, truyền thuyết, những họa tiết hoa sen cổ, rồi cả những hình ảnh mang ý nghĩa phồn thực... thì những cây kim giỏi của Đông Thành phải tỷ mẩn nắn nót từng mũi chỉ, đường kim. Bởi đó là những tạo hình khó, không chỉ đòi hỏi người thợ sự điêu luyện mà phải đặt cả tình cảm, tâm hồn mình vào đó mới có thể tạo ra những tấm chăn đầy nghệ thuật, phả vào không gian phòng ngủ sắc màu cổ tích và đậm nét văn hóa. Sự điêu luyện ấy không chỉ thể hiện trên những nét hoa văn mà đối với chất liệu của tấm chăn cũng là yếu tố để người thợ thể hiện sự sáng tạo của mình. Hầu hết sản phẩm chăn của Linh Vân được làm bằng chất liệu tơ tằm đặc biệt của làng Vọng Nguyệt (Bắc Ninh), chính vì vậy, sự tỉ mẩn, công phu của người thợ, sự khéo léo của đôi tay nghệ nhân sẽ góp phần làm tơ không mất đi độ tươi, xốp. Điều này sẽ khác biệt hơn hẳn đối với những sản phẩm chăn tơ được làm nhờ sự can thiệp của các yếu tố máy móc, các chất hóa học hay việc sản xuất một cách đại trà, chỉ đáp ứng đơn hàng theo số lượng. Và mỗi tấm chăn tơ tằm như thế, người thợ phải mất 10 - 12 ngày, dồn hết tâm huyết vào nó mới có thể cho ra đời đứa con tinh thần của mình. Đến nơi đây, nhìn những ánh mắt, nụ cười ánh lên theo từng đường kim mũi chỉ mới cảm nhận được sự tồn tại của nghề không phải chỉ nằm trong hai chữ mưu sinh