Tìm hiểu độc quyền hành chính Độc quyền hành chính được quy định trong pháp luật cạnh tranh có thể hiểu là việc một chủ thể kinh doanh có được vị thế độc quyền nhưng không phải do sức mạnh kinh tế mà do sự tác động của quyền lực nhà nước. Độc quyền hành chính xuất hiện khi nhà nước và các cơ quan nhà nước lạm dụng quyền lực của mình thực hiện những hành vi nhằm phá hủy và ngăn cản cạnh tranh một cách bình thường. Bằng những văn bản pháp quy, các quyết định hành chính và hành vi hành chính, các cơ quan công quyền và công chức nhà nước khi thi hành công vụ đã can thiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những lợi thế đặc biệt cho một số doanh nghiệp nhất định về thị trường, tín dụng, khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên… nhằm tạo ra vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp này, đồng thời gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp khác. Độc quyền hành chính khác biệt so với độc quyền kinh tế không những từ chủ thể, phương thức mà còn khác nhau về điều kiện phát sinh ra độc quyền. Nếu chủ thể của độc quyền kinh tế là các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp thì chủ thể của độc quyền hành chính là nhà nước và các cơ quan trực thuộc. Nếu phương thức thực hiện của độc quyền kinh tế là sử dụng sức mạnh kinh tế, quyền lực thị trường để tự do mua, bán, thỏa thuận phân chia thị trường, ngăn cản các đối thủ cạnh tranh khác tham gia vào thị trường thì phương thức độc quyền hành chính là sử dụng quyền lực hành chính. Mục tiêu của độc quyền kinh tế là tìm kiếm lợi nhuận riêng cho từng tổ chức kinh doanh còn mục tiêu của độc quyền hành chính là mang lại lợi ích không chỉ riêng cho các doanh nghiệp mà còn cho cả một co quan hay một vùng miền cụ thể. Bởi vì độc quyền hành chính có được quyền lực áp đặt nhà nước một cách hợp pháp, nó mang lại nhiều tổn hại hơn là lợi ích so với độc quyền kinh tế và nó khó khăn hơn trong việc điều chỉnh, giám sát và loại bỏ một cách hữu hiệu. Độc quyền hành chính còn là một trong những nguyên nhân, điều kiện cho sự xuất hiện và tồn tại của tham nhũng. • Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước (điều 8 Luật Cạnh tranh 2018) Hiện nay, Luật Cạnh tranh đã đưa ra các điều cấm các cơ quan nhà nước không được phép thực hiện trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh mà thực chất đó là sự mô tả về các dạng độc quyền hành chính đã và sẽ phát sinh ở Việt Nam: (1) Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường sau đây: a) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; b) Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; c) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh. (2) Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh. Nắm rõ về hành vi độc quyền hành chính là một điều cần thiết đối với các doanh nghiệp, thương nhân có ý định thành lập doanh nghiệp,thành lập công ty nhằm hạn chế tối thiểu sự vi phạm đó, tạo nên một thị trường cạnh tranh hoàn hảo giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.