Thông tư số 22/2018/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT, quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia. So với Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT đã có sự mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh của văn bản. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia. Trong hoạt động vận tải hàng hóa, đơn vị để tính thời gian là giờ (là 60 phút) hoặc ngày (là 24 giờ) và phần dư thời gian được quy tròn như sau: - Khi lấy giờ làm đơn vị tính: Đối với phần dư thời gian lớn hơn 30 phút được tính là 01 giờ, dưới 30 phút không tính. - Khi lấy ngày làm đơn vị tính: Đối với phần dư thời gian lớn hơn 12 giờ thì được tính 01 ngày, dưới 12 giờ không được tính. Về hình thức vận tải: Vận tải hàng hóa bằng đường sắt được thực hiện theo hình thức nguyên toa (sau đây gọi tắt là hàng nguyên toa) hoặc hình thức hàng lẻ (sau đây gọi tắt là hàng lẻ). Các hình thức vận tải hàng hóa khác do doanh nghiệp quy định. Như vậy so với Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT, Thông tư này đã có quy định bổ sung thêm hình thức vận tải đó là các hình thức vận tải hàng hóa khác do doanh nghiệp quy định.Thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa về cơ bản vẫn giữ nguyên so với Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT: - Hàng hóa vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. - Hàng hóa không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì hàng hóa nhận trước được vận chuyển trước, hàng hóa nhận sau được vận chuyển sau. - Hàng hóa cùng nhận được vào một thời điểm thì theo thứ tự sau: Hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt; Động vật sống, hàng mau hỏng, hàng nhanh giảm trọng lượng; Các loại hàng hóa khác không thuộc loại quy định trên do doanh nghiệp quy định.