Các bài thuốc đông y có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường bồi bổ cơ thể và thậm chí ức chế sự lan rộng khối u, nhưng không chữa khỏi được hoàn toàn ung thư. Hiện nay, có không ít bệnh nhân khi phát hiện bệnh ung thư dù đang ở giai đoạn sớm nhưng bỏ điều trị tây y về điều trị bệnh theo phương pháp đông y. Vậy, các bài thuốc, phương pháp đông y có điều trị khỏi được ung thư và có tác dụng như thế nào khi điều trị? Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp đã kết hợp khá tốt việc điều trị tây y và đông y. Hai phương pháp này được tiến hành song song với nhau nhằm vừa tiêu diệt tế bào ung thư, vừa tăng khả năng miễn dịch cơ thể. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bỏ hẳn tây y về điều trị đông y vì nghe theo lời đồn “ung thư không được động dao kéo”. Điển hình như một trường hợp bệnh nhân ở Điện Biên, mắc bệnh ung thư vú, nhưng nghe theo lời đồn thổi hoa đu đủ đực chữa khỏi được ung thư nên đã bỏ hẳn tây y về để uống nước đu đủ. Sau 3 năm, không những không khỏi mà khối u từ vú đã di căn sang cả gan và một số bộ phận cơ thể khác, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Tân Triều).Lương Y Vũ Quốc Trung. Ảnh: Lê Phương Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Ths. Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) khẳng định: “Đối với các căn bệnh ung thư, đông y không điều trị khỏi được căn bệnh này mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị”. Theo Lương y Trung, đối với các bác sĩ đông y, khi tiếp cận và điều trị cho các bệnh nhân ung thư cần phải dựa trên các bằng chứng và hồ sơ khoa học của tây y, chứ không thể nghe kể bệnh rồi bốc thuốc điều trị. “Tất cả các bệnh nhân đến với tôi, tôi đều yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp từ tây y từ đó mới đưa ra những phương pháp và bài thuốc giúp bệnh nhân điều trị”, Lương y Vũ Quốc Trung nói. Đồng thời lương y Trung cũng khẳng định, tất cả các bài thuốc đông y sử dụng đối với bệnh nhân ung thư chỉ có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân nhằm tăng cường và bồi bổ sức khỏe từ đó hỗ trợ cho các phương pháp điều trị tây y hiệu quả hơn chứ không các tác dụng điều trị thay thế. Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Xuân Sinh – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược học cổ truyền (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết, khái niệm về bệnh ung thư giữa đông y và tây y có rất nhiều điểm tương đồng. Chính vì thế, nhiều khi có người không hiểu hoặc cố tình lợi dụng để thổi phồng việc chữa được bệnh ung thư bằng các cây, con thuốc ở một số địa phương trong nước ta, để thu lời bất chính. Theo các bác sĩ đông y, thực tế đã có không ít nghiên cứu đã chứng minh một số chiết xuất của các cây, con có tác dụng ức chế tế bào ung thư, ví dụ như lá chè có thành phần ngăn chặn gián tiếp các tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể, xong nước chè xanh vẫn chỉ là thứ nước uống được sử dụng hàng nay. Thậm chí nhân sâm (panax gíneng C.A. Mey) một vị thuốc đứng đầu trong các vị thuốc bổ khí của đông y, trong thành phần hóa học của nó, hầu như chiếm đa số các thành phần quý của cây thuốc, cũng có các thành phần ức chế tế bào ung thư, song nhân sâm cũng chỉ được coi như một vị thuốc mang tính bòi dưỡng khi cơ thể yếu mệt. Tóm lại, đã đến lúc mọi người, kể cả những người bán dược liệu sống, người chữa bệnh bằng đông y, người sản xuất thuốc đông y nên hiểu bản chất của bệnh cancer (ung thư) theo đúng nghĩa của nó. Tránh nhầm lẫn giữa bệnh cancer với bệnh ung thư theo kiểu bệnh “ung nhọt” của đông y. Và để người dân không nhầm lầm các khái niệm trên, đã đến lúc ngành y tế cũng nên sử dụng ngôn từ cancer theo đúng nghĩa của nó, để chỉ tên cho các bệnh viện các cơ sở chữa bệnh cancer (ung thư) của mình, cũng như gọi tên bệnh cancer theo đúng nghĩa của nó.