Trước ngày các sắc luật trên có hiệu lực, thị trường mua bán nhà đất đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhằm “đi trước đón đầu”. Cụ thể, tuần qua, Tập đoàn Novaland và VPBank đã ký hết hợp đồng hợp tác bảo lãnh, cam kết thực hiện bảo lãnh cho người mua nhà đối với các dự án bất động sản do Novaland làm chủ đầu tư. Ông Bùi Hữu Phúc, Giám đốc Đầu tư và phát triển của Tập đoàn Novaland cho biết, dự án đầu tiên Novaland áp dụng bảo lãnh cho người mua nhà là Khu phức hợp căn hộ - thương mại - dịch vụ - văn phòng The Sun Avenue, tại Mai Chí Thọ, quận 2, TP. HCM. Bình luận về động thái này, các chuyên gia cho biết, đây là doanh nghiệp địa ốc tiên phong thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê nhà được hình thành trong tương lai theo Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. “Có ngân hàng bảo lãnh thì khách hàng yên tâm hơn khi mua nhà hình thành trong tương lai và vì vậy, chủ đầu tư sẽ bán được hàng”, một chuyên gia nhận xét. Thị trường bất động sản sẽ có sóng chính sách Ghi nhận hiện tượng trên, nhưng ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, nhiều khách hàng sẽ tranh thủ mua nhà trước 1/7 để có giá rẻ hơn. Ông Quang lý giải, từ 1/7, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực, người mua nhà ở hình thành trong tương lai sẽ phải chịu mức giá cao hơn khi chủ đầu tư tính tiền bảo lãnh vào giá thành sản phẩm. Và “sóng” sau Các chuyên gia nhận định, sau ngày 1/7, thị trường sẽ đón những con “sóng” lớn hơn từ những quy định mở của chính sách. Trước hết là quy định mở rộng cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bình luận về chính sách này, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, các điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn so với những trước đánh dấu bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam. “Luật Nhà ở sửa đổi sẽ giúp thị trường nhà đất Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân Việt Nam”, ông Leech nói. Không những được mở rộng quyền sở hữu, người nước ngoài còn được tham gia kinh doanh nhà tại Việt Nam. Điều khác biệt duy nhất là trong mọi trường hợp, người nước ngoài nếu muốn kinh doanh nhà tại Việt Nam đều phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, sự cởi mở trong việc cho phép Việt kiều được sở hữu và kinh doanh nhà ở tại Việt Nam có thể khiến lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản nhiều hơn. Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, với tình hình bất động sản đang dần ấm lên hiện nay, có khả năng lượng kiều hối chuyển vào bất động sản sẽ tăng nhiều hơn. Nếu cuối năm 2014, tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản khoảng 21,2%, thì cuối năm nay, lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực này có thể sẽ lên 23 - 24%.