Tại sao smartphone Android cao cấp xách tay rẻ như vậy? Cùng là smartphone đầu bảng nhưng giá bán hàng xách tay rẻ hơn so với hàng chính hãng lên đến 5 triệu đồng. Thậm chí, giá smartphone Android đầu bảng xách tay đời cũ hơn còn chênh nhau đến một nửa. Khách hàng đang mua điện thoại ở một cửa hàng lớn ở Hà Nội. Điện thoại xách tay cũng được nhiều người quan tâm vì giá rẻ hơn hẳn so với hàng chính hãng. Trên "mặt trận" truyền thông, iPhone hàng xách tay gần như áp đảo so với hàng xách tay Android bởi iPhone nói chung có sức hút lớn hơn. Tuy nhiên, về bản chất iPhone xách tay và smartphone Android xách tay không khác gì nhau: Các thương nhân trong nước gom máy đã qua sử dụng, hoặc loại máy tân trang (refurbished) từ nước ngoài về, sau đó sửa chữa, tút tát lại để bán cho khách hàng. Các sản phẩm điện thoại xách tay lúc này được chia thành nhiều loại với chất lượng và giá cả khác nhau như hàng nguyên hộp 100% (brand new full box), hàng gần như mới (like new), hàng cũ, hàng dựng… Những siêu phẩm cũng nhanh chóng có hàng xách tay (ảnh minh hoạ) "Smartphone xách tay về thường đi theo đường tiểu ngạch để có giá rẻ - phần lớn smartphone loại này đều "quá giang" ở Hong Kong và Trung Quốc trước khi về Việt Nam - đi kèm chỉ có hộp đựng đơn giản, thiếu phụ kiện, thậm chí là chỉ có máy trần" , anh Nguyễn Huy, quản lý một hệ thống điện thoại ở Hà Nội cho biết. Chẳng hạn như chiếc Samsung Galaxy S6 32GB xách tay Mỹ được bán tại một cửa hàng trên phố Cầu Giấy, Hà Nội với giá 6 triệu đồng, trong khi đó hàng chính hãng cũng được bán tại cửa hàng này có giá lên đến 11,4 triệu đồng, chênh lệch hơn 5 triệu đồng. Tương tự, mẫu điện thoại Galaxy Note 5 chính hãng hiện ở Việt Nam đang có mức giá niêm yết lên tới 15 triệu đồng, nhưng qua khảo sát thì tại nhiều cửa hàng bán điện thoại xách tay, "hàng lướt" từ Mỹ về được bán với giá chỉ có hơn 8 triệu đồng. (Tuy nhiên, cũng là Note 5 "like new" nhưng có nơi rao bán giá hơn 12 triệu đồng). Anh Hưng, chủ một cửa hàng bán điện thoại xách tay trên phố Thái Hà cho biết "Không chỉ Samsung, những hãng tên tuổi như Sony, LG, HTC cũng có nhiều mẫu cao cấp xách tay được bán với giá chỉ 3 đến 8 triệu đồng, tương đương với sản phẩm tầm trung phân phối chính hãng". Ví dụ chiếc Xperia Z3 đang được Sony niêm yết ở Việt Nam khoảng 10,8 triệu đồng, nhưng giá của bản xách tay chỉ có tầm 8,5 triệu đồng. Hàng xách tay tại Việt Nam thường có xuất xứ từ những thị trường áp dụng chính sách bán hàng kèm hợp đồng nên có giá khá rẻ như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Theo tìm hiểu được biết có hai lý do chính để giới buôn điện thoại xách tay chọn Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những địa chỉ ưa thích. Thứ nhất, ở những nước này có nhiều nhà mạng lớn như: Verizon, T-Mobile hay Sprint (ở Mỹ), Docomo, Softbank, AU (ở Nhật) phân phối điện thoại với giá rất rẻ (kèm cam kết sử dụng với nhà mạng một đến hai năm) Thứ hai,người dùng bên nước ngoài khá dễ dàng để lên đời điện thoại, có những sản phẩm bị lỗi nhỏ, thậm chí không hề bị lỗi hoặc còn rất mới nhưng họ có thể đẩy đi để mua những model mới lạ hơn. Những chiếc máy cũ thường được họ bán lại cho các điểm thu mua lớn. Do đó gom hàng ở các điểm mua này sẽ có được số lượng tốt nhưng chất lượng sản phẩm thì "hên, xui". Mua smartphone flagship xách tay có đảm bảo không? Mua smartphone xách tay rẻ tiền hơn hẳn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như chỉ có bảo hành cửa hàng, hàng cũ không rõ chất lượng ra sao. Đặc biệt, không loại trừ khả năng người bán trà trộn vào những chiếc máy kém chất lượng, hoặc bán hàng dựng dưới danh nghĩa hàng xách tay, hàng không được thẩm định kỹ càng vì có muôn vàn giá cả tương ứng với chất lượng sản phẩm. Theo những người trong nghề, chất lượng điện thoại xách tay tại các cửa hàng là không đồng đều, khó đảm bảo và dễ gặp trục trặc khi dùng lâu dài. Anh Trung (Hà Nội), một người mua hàng cho biết: "Qua tham khảo trên mạng, tôi đã mua một chiếc điện thoại Samsung S6 tại một cửa hàng bán hàng xách tay trên phố Minh Khai. Khi đến mua thấy máy hình thức rất đẹp, các chức năng hoạt động bình thường, có bảo hành và được cửa hàng giới thiệu là hàng Like new 99%, nhưng dùng chỉ chưa đầy hai tháng sử dụng thiết bị bắt đầu giở chứng lỗi màn hình. Tôi mang đến cửa hàng thì họ viện đủ lý do để từ chối bảo hành và tư vấn sẽ hỗ trợ sửa chữa với giá hữu nghị là 600 nghìn đồng. Xót tiền sửa chữa cao quá tôi mang đến một trung tâm khác hỏi, sau khi mở máy họ thông báo chiếc máy này là hàng dựng. Thế nên dù đã sửa màn hình nhưng một thời gian ngắn sau, đến lượt camera bị lỗi. Chán quá tôi đành tạm biệt chiếc điện thoại này". Trong khi đó, anh Thắng, một khách hàng có sở thích thay đổi điện thoại lại cho rằng mặt hàng này cũng tuỳ loại, bản thân anh đã mua và sử dụng hơn 5 chiếc điện thoại xách tay và thấy chất lượng rất tốt. Có thể nói, chất lượng và việc bảo hành là vấn đề hên xui với điện thoại xách tay, nhiều cửa hàng luôn tìm những lí do để từ chối hoặc rút ngắn thời gian bảo hành máy. Nếu được sửa chữa thì khi đó người dùng sẽ phải mất thời gian chờ đợi hoặc các nguy cơ liên quan đến mất mát dữ liệu. Làm thế nào để lựa được máy tốt? Theo tư vấn của những người hiểu biết và có kinh nghiệm về điện thoại xách tay thì hiện có rất nhiều cách để hạn chế rủi ro khi mua phải hàng kém chất lượng. Dưới đây là một số lưu ý: - Tự trang bị kiến thức để test máy: Nên xem kĩ sản phẩm từ các chi tiết phần cứng đến phần mềm, kiểm tra số serial, IMEI để đảm bảo hàng thật… - Về phần cứng: cầm nắm để cảm nhận độ chắc chắn, xem tổng thể máy các ốc vít có bị trầy xước không, các mép ghép của máy có hiện tượng bị cong vênh không. Đây là dấu hiệu giúp bạn phát hiện máy đã từng va đập, bung sửa hoặc tráo linh kiện hay chưa. - Bấm các nút cứng xem độ nhạy, độ phản hồi, cơ chế hoạt động tốt không - Lắp thẻ nhớ và cóp vài bài hát vào thẻ xem máy có nhận thẻ ngon lành không - Test tai nghe. - Về phần mềm: kiểm tra sự hoạt động trơn tru, ổn định của hệ điều hành cũng như các phần mềm ứng dụng. - Test Wifi, Bluetooth, NFC… nếu có. - Gọi điện xem nghe rõ ràng không. - Thử các tính năng quan trọng như camera, nhắn tin, duyệt web… trong một thời gian liên tục từ 30p trở lên xem có bị hiện tượng sập nguồn, khởi động lại hoặc sụt pin bất thường không. - Cắm cáp xem có kết nối với máy tính không và thử cổng sạc có ổn định không. - Ngoài ra, nên nhờ người hiểu biết về chọn mua điện thoại xách tay đi xem hộ. - Nên chọn những đơn vị bán uy tín, có thể tin cậy hơn. - Ngoài ra, thường thì mỗi nhà sản xuất đều tích hợp sẵn một menu ẩn để trợ giúp việc test toàn bộ máy. Mỗi nhà sản xuất có một mã truy cập menu ẩn khác nhau. Ví dụ: hãng LG dùng mã 3845#*mã máy# để nhập vào từ giao diện bàn phím cuộc gọi, điện thoại Samsung Galaxy dùng mã *#0*#, và mã *#*#7378423#*#* đối với điện thoại Sony Xperia...