Tác phẩm “The Bloom of Yesterday” của đạo diễn người Đức – Chris Kraus – giành giải “Tokyo Grand Prix” trong lễ bế mạc diễn ra chiều 3/11 ở Nhật Bản. Sau 10 ngày diễn ra các hoạt động chiếu phim, quảng bá văn hóa và hội thảo, Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29 khép lại chiều 3/11. Giải thưởng lớn nhất – “Tokyo Grand Prix” – được trao cho bộ phimThe Bloom of Yesterdaycủa đạo diễn Chris Kraus. Phần thưởng dành cho êkíp thực hiện tác phẩm này là 50.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng). Đạo diễn Chris Kraus (giữa) cùng đại diện đoàn phim “The Bloom of Yesterday” lên sân khấu nhận giải cao nhất ở Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29. Ảnh:2016 TIFF. Chris Kraus xuất thân là một nhà báo. Năm 2006, ông từng ghi dấu ấn với bộ phim4 Minutesgiành 22 giải thưởng điện ảnh quốc tế. Với tác phẩm mới –The Bloom of Yesterday, Chris khai thác chủ đề nạn diệt chủng thời Đức quốc xã nhưng với góc nhìn hài hước và lãng mạn. Nhân vật chính của phim là cháu trai một tội phạm chiến tranh phải vật lộn với cuộc sống hiện đại do chịu nhiều cái nhìn soi mói, định kiến bởi lý lịch “đen” của gia đình. Sự xuất hiện của một phụ nữ Do Thái đã làm thay đổi cuộc đời và giúp anh tìm được lý tưởng. Mabel Cheung – đạo diễn người Hong Kong, thành viên ban giám khảo – phát biểu trong đêm bế mạc: “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều và quyết định chọnThe Bloom of Yesterdaylà phim chiến thắng bởi góc nhìn điện ảnh rất đặc biệt của nó. Đây là một câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật được coi là kẻ sát nhân và kẻ bị hại. Nó khai thác chủ đề nạn diệt chủng thời Đức quốc xã với ngôn ngữ điện ảnh mà chúng ta chưa được thấy bao giờ, với thông điệp về sự tha thứ”. Chủ tịch Hội đồng giám khảo – nhà làm phim gạo cội Jean Jacques Beineix – cho biết thêm: “Tội ác chống nhân loại là những vết thương khó có thể chữa lành. Điện ảnh gợi lại những ký ức lịch sử đó nhưng năm tháng trôi đi, những hình ảnh sẽ mờ dần và nỗi đau cũng vơi đi. Tuy nhiên, các nhà làm phim vĩ đại sẽ luôn biết cách khai thác sự tồn tại của những tội ác trong quá khứ dưới góc nhìn độc đáo”. Ngoài giải thưởng quan trọng nhất,The Bloom of Yesterdaynhận thêm danh hiệu “Lựa chọn của người xem” (WOWOW Viewer’s Choice Award), trị giá 10.000 USD. Đứng trên sân khấu, đạo diễn Chris Kraus nói câu “cảm ơn” khán giả bằng tiếng Nhật. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có phim chiếu ở Tokyo. Khi thực hiện tác phẩm này, tôi không dám chắc khán giả quốc tế có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Nhưng giải thưởng này đã là câu trả lời cho tôi”, đạo diễn phát biểu. Chuyên gia trang điểm người Philippines – Paolo Ballesteros – hóa thân thành Julia Roberts khi lên sân khấu nhận giải “Nam diễn viên xuất sắc” với vai diễn người chuyển giới trong phim “Die Beautiful”. Ảnh:2016 TIFF. Bộ phim Thụy Điển –Sami Blood– giành giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo, với phần thưởng trị giá 20.000 USD. Tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Amanda Kernell khai thác góc khuất mà những đứa trẻ của dân tộc Sami trên các vùng núi của Thụy Điển đang phải chịu đựng. Ngôi sao nhí của bộ phim này – Lene Cecilia Sparrok – giành danh hiệu “Nữ diễn viên xuất sắc”. Chuyên gia trang điểm người Philippines chuyên hóa thân thành người nổi tiếng – Paolo Ballesteros – được vinh danh là “Nam diễn viên xuất sắc”. Trong phimDie Beautiful, anh thủ vai một phụ nữ chuyển giới. Nếu như ở đêm khai mạc, Paolo hóa trang thành Angelina Jolie thì trong đêm bế mạc, khi lên sân khấu nhận giải, Paolo trở thành “người đàn bà đẹp” Julia Roberts. Khi được hỏi mất bao lâu để hóa thân thành minh tinh Hollywood, Paolo trả lời: “Tôi mất tới ba đến bốn tiếng để trang điểm thành một hình tượng. Giải thưởng này mang nhiều ý nghĩa vì đây là vai chính đầu tiên của tôi”. Nữ đạo diễn người Croatia – Hana Jusic – giành giải “Đạo diễn xuất sắc” cho bộ phimQuit Staring at My Plate. Giải thưởng danh dự – “Samurai Award – tôn vinh nhà làm phim kỳ cựu người Mỹ Martin Scorsese và đạo diễn lừng danh Nhật Bản là Kiyoshi Kurosawa. Đêm khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29 tối 25/10 có sự xuất hiện của Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe. Ông đứng trên sân khấu cùng minh tinh Meryl Streep. Ảnh:Nick M. Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29 diễn ra từ ngày 25/10 đến 3/11, thu hút hơn 60.000 khán giả tới xem phim. Có 206 bộ phim được chiếu năm nay. Số lượng khách tham dự các sự kiện trong khuôn khổ liên hoan phim lên tới hơn 220.000 người. Bộ phim mở màn làFlorence Foster Jenkinscủa minh tinh Meryl Streep. Đêm khai mạc tối 25/10 còn có sự xuất hiện của Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe. Đây là một trong những sự kiện văn hóa được chính phủ Nhật quan tâm và hướng tới Thế vận hội Olympics 2020 sẽ được tổ chức ở thủ đô Tokyo. Tổng Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Tokyo – Yasushi Shiina – phát biểu trong đêm bế mạc: “Năm nay chúng tôi có 1.502 bộ phim gửi tới tham dự và có 34 phim được lựa chọn tranh giải ở các hạng mục. Tôi cảm thấy tổ chức một liên hoan phim cũng giống như thực hiện một tác phẩm điện ảnh. Liên hoan phim không chỉ là nơi để các nhà làm phim gặp gỡ, giới thiệu tác phẩm mới mà còn là cơ hội để trao đổi văn hóa, tạo dựng một cộng đồng đa sắc tộc thông qua điện ảnh”.