Với bài hát Chú ếch con, người ta đã dàn dựng, hòa âm tinh tế như thế nào để đem lại sức hấp dẫn cho tiết mục biểu diễn của bé Hương Trà? Đây là câu hỏi mà mỗi chúng ta phải tự vấn Nhân sự kiện bé Hương Trà thể hiện bài hát Chú ếch con bằng tiếng Ý gây thích thú cho người xem trên mạng YouTube, mọi người bỗng giật mình nhìn lại mặt bằng ca nhạc thiếu nhi vui nhộn của chúng ta gần như bão hòa và kém hấp dẫn (ngay với cả thiếu nhi) trong suốt thời gian dài vừa qua… Nguyên nhân vì đâu?Như một cách ban phát Hãy xem lại clip Chú ếch con do Hương Trà hát - phần hòa âm, bè đối đế... được dàn dựng rất nghiêm túc và tinh tế đối với một bài hát thiếu nhi, khúc thức gọn ghẽ và dễ cảm; điều này không phải mình bé Hương Trà làm được mà phải do những người lớn thực hiện… Vậy thì người lớn chúng ta đã làm gì cho âm nhạc thiếu nhi trong nước?Một số sản phẩm đĩa nhạc thiếu nhi đang phát hành trên thị trường Không khó để thấy rằng những chương trình ca nhạc thiếu nhi hiện nay được làm như một nghĩa vụ mang tính “ban phát” xuân, thu nhị kỳ cho các em. Những người biên tập, sản xuất chương trình đã từ lâu cảm thấy những sản phẩm âm nhạc thiếu nhi của mình làm ra như “những cơn mưa quý báu đổ xuống cánh đồng khô hạn”. Tâm lý chủ quan có phần quan liêu đó đã khiến những người thực hiện tự cho phép mình làm ra những sản phẩm thiếu tính tôn trọng và thấu hiểu khách hàng và đương nhiên những sản phẩm, ngay cả sản phẩm âm nhạc cũng vậy, không lắng nghe và thấu hiểu khách hàng thì chắc chắn khi phát hành, các sản phẩm này sẽ bị khách hàng quay lưng... Vậy “khách hàng” thiếu nhi hiện nay đang có nhu cầu thưởng thức âm nhạc như thế nào? Đó phải là một câu hỏi được đặt ra đầu tiên cho những người thực hiện các chương trình, ấn phẩm ca nhạc thiếu nhi. Hiện nay, nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với 2 thập kỷ trước, ngay với thiếu nhi cũng vậy. Một đứa bé 6 tuổi đã có thể vào mạng từ máy tính của gia đình để đến được với nhiều loại hình giải trí, từ âm nhạc, phim ảnh, video clip, game, thậm chí cả chat… Như vậy, thiếu nhi ngày nay với cảm quan thưởng thức đã khác xưa rất nhiều, nếu những chương trình ca nhạc thiếu nhi làm ra thiếu sự đầu tư cẩn thận của người lớn chắc chắn không thể hấp dẫn các em, thậm chí gây ấn tượng ngược khi chúng phải ăn mãi những món ăn nhàm chán, nhạt nhẽo...Tư duy bảo thủ, võ đoán Nhạt nhẽo là do cách chúng ta “nấu”, bởi nguyên liệu để “nấu món ăn” cho thiếu nhi chắc chắn không thiếu. Một lập luận thường được đưa ra để biện minh cho chất lượng dàn dựng các chương trình ca nhạc thiếu nhi không hấp dẫn và sự kinh doanh không hiệu quả đối với các sản phẩm băng đĩa nhạc thiếu nhi là không có bài hát thiếu nhi mới… Tư duy này thường rơi vào những người làm nghề mang tính bảo thủ và võ đoán. Trở lại với clip Chú ếch con của bé Hương Trà (đây là một bài hát đã có từ lâu của nhạc sĩ Phan Nhân và chúng ta đang có một nguồn dồi dào, phong phú bài hát thiếu nhi Việt Nam đặc sắc như thế), sức hấp dẫn của nó chính là ở cách hát tự nhiên, đầy hứng khởi của Hương Trà và cả dàn đồng ca với một bài hát được dàn dựng chu đáo và đầy biểu cảm ngay phần âm nhạc; sân khấu và phương tiện biểu diễn cũng bình thường như chúng ta đã và đang có, không phải là những đầu tư cầu kỳ, tốn kém… Vậy tại sao với bài hát Chú ếch con, người ta đã dàn dựng, hòa âm tinh tế như thế nào để đem lại sức hấp dẫn cho tiết mục biểu diễn của bé Hương Trà? Đây là câu hỏi mà mỗi chúng ta phải tự vấn để tìm cách làm sáng tạo, với một tình yêu trẻ em thật sự nhằm cho ra đời những sản phẩm đầy ý nhị, lôi cuốn và gần gũi với tâm hồn thiếu nhi Việt Nam.