Nguyên do Việt Nam có tỷ lệ bệnh ung thư cao nhất thế giới Theo thực tế lâm sàng ghi nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan là viêm gan mạn tính do nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV). Đây là bệnh cảnh nền của 70-80% tổng số ca ung thư gan. Việc tiêm phòng vắc-xin viêm gan B có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư gan, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, một số trường hợp tai biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong đã xảy ra trong những năm gần đây liên quan đến tiêm chủng khiến nhiều phụ huynh hoang mang và lo sợ không cho con em đi tiêm. Lo sợ rủi ro xảy ra các bệnh viện cũng ngại triển khai tiêm ngừa. Từ đó dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc-xin giảm hẳn. Điều này khiến các bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng, trong đó phải kể đến bệnh viêm gan B. Mặt khác, khảo sát của WHO tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ bệnh viêm gan C gia tăng do sự thiếu kiến thức của phần lớn người dân và bệnh nhân về bệnh nên không có khái niệm về tầm soát, điều trị và phòng ngừa sự lây lan của bệnh. Rất nhiều người bệnh chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm loại vi-rút này nên không tiến hành làm các xét nghiệm sớm, vô tình lây truyền mầm bệnh cho những người xung quanh. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như uống nhiều rượu, độc tố Aflatoxin của nấm Aspergillus flavus trong các loại ngũ cốc. Loại nấm này sinh ra Aflatoxin, là chất gây ung thư mạnh trên thực nghiệm. Theo nghiên cứu, trên 30% bệnh nhân bị ứ sắt có tính chất di truyền có thể xuất hiện ung thư tế bào gan. Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa một hàm lượng lớn chất Dioxin cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây nên căn bệnh này. Ung thư gan tiến triển rất thầm lặng, không có dấu hiệu ở giai đoạn sớm cùng với thái độ chủ quan về bệnh tật, không kiểm tra sức khỏe định kỳ nên phần lớn bệnh nhân được phát hiện muộn. Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn cuối nên ghép gan cũng không có kết quả tốt. Khi đó ung thư đã xuất hiện tại các cơ quan khác, có khả năng lây lan vào gan mới ghép, và tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa đến 10%. Do vậy những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh viêm gan C, B, xơ gan, hoặc trong gia đình từng có người bị ung thư gan, uống nhiều rượu nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần để phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời.