Những người làm việc ở văn phòng thường phải làm việc thường xuyên trong môi trường thiếu khí trời, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, tình trạng va chạm, căng thẳng trong công tác nhiều, công việc thường thông tầm, không có giờ giấc cố định, ít vận động, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý… khiến họ mắc phải nhiều bệnh tật, được gọi chung lại là “bệnh văn phòng” hay “hội chứng bệnh văn phòng”. Một số biểu hiện của bệnh văn phòng như:Sức đề kháng kém, dễ mệt mỏi và bệnh vặt Đây là những biểu hiện nhẹ nhất của các bệnh lý thường gặp ở dân văn phòng. Do nhịp độ công việc nhanh, công việc đầu óc căng thẳng liên tục trong nhiều giờ khiến cơ thể có cảm giác uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng. Nếu bị stress hoặc mệt mỏi kéo dài sẽ làm sức đề kháng giảm nhanh, dẫn đến hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, dễ mắc các bệnh lặt vặt như nhức đầu, nghẹt mũi, khô mắt, khô họng, khô da và thỉnh thoảng chảy nước mắt, nước mũi. Hoặc nghiêm trọng hơn có các biểu hiện như xây xẩm, hoa mắt chóng mặt, dễ bị hạ đường huyết. Những bệnh như huyết áp thấp, đau nửa đầu, cảm cúm phổ biến, điều này dễ dẫn đến người làm văn phòng hay mỏi mệt, nặng nề, ốm đau triền miên. Để phòng ngừa tình trạng này, cơ thể cần được bổ sung thêm kẽm và các vitamin nhóm B, giúp quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể được diễn ra nhanh hơn, giúp cơ thể tăng cường năng lượng. Ngoài ra, kẽm còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, căng thẳng do làm việc quá sức, hoặc do thời tiết thay đổi thất thường. Các vitamin nhóm B (B1, B3, B6, B12) cần thiết cho hệ thần kinh hoạt động ổn định và khỏe mạnh, giúp tăng độ tập trung, giảm stress do làm việc quá sức.Ðau cột sống và các khớp Một số triệu chứng thường gặp như đau lưng, nhức mỏi khớp. Biểu hiện bệnh phổ biến và rõ rệt nhất với những người ngồi quá nhiều là triệu chứng đau mỏi lưng, ngồi liên tục trong một tư thế nhất định hàng giờ, cơ thể không được vận động thường xuyên nên cột sống dễ bị chùn, đây là một trong những nguy cơ dẫn đến thoái hoá cột sống khi có tuổi. Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động và môi trường, nhóm lao động phải ngồi liên tục có tỉ lệ đau mỏi lưng cao hơn hẳn so với các nhóm làm việc khác: 15-20% so với 5-7% tại các nhóm khác. Nguyên nhân có thể là do ghế ngồi không phù hợp, ngồi sai tư thế, thao tác công việc đơn điệu nhưng tần số thao tác cao, thời gian nghỉ ngơi quá ít. Khi rơi vào tình trạng này, người bệnh có cảm giác đau nhói các cơ, đau lưng và tê phù chân tay, tình trạng đau mỏi, nhất là đau lưng và đau cơ vai diễn ra khá phổ biến. Ngồi quá lâu với tư thế không đúng sẽ dẫn đến đau lưng mãn tính. Song song đó, việc thiếu vận động hằng ngày và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng sẽ dẫn đến tình trạng xương trở nên dòn, xốp và thúc đẩy quá trình loãng xương cùng các biểu hiện như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thoái hóa đốt sống cổ... Vì thế, để giảm bớt các hậu quả xấu đến hệ xương khớp, việc đầu tiên chúng ta phải làm là điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng: chọn ghế thích hợp với tầm của mình, tránh cúi người về phía trước hoặc ngả ra sau quá nhiều. Lưng thẳng, không được cong, đầu và cổ giữ thẳng trục với lưng. Hai đầu gối giữ vuông góc, hông giữ vuông góc với thân người. Không ngồi bắt chéo chân, ngồi cong lưng hoặc cúi đầu quá thấp… Sau 45 - 60 phút làm việc liên tục, hãy nghỉ giải lao tầm 5 -10 phút, thay đổi tư thế, vận động cơ thể, có thể bằng cách đi xung quanh nơi làm việc, thực hiện các động tác vận động đơn giản để cho các khớp xương được thư giãn. Ngoài ra, nên thường dùng thực phẩm chứa nhiều canxi. Sữa, tôm, cua, ốc, hến, hàu, sò, cá hồi… đều là những nguồn cung cấp canxi, magiê, vitamin D tuyệt vời, giúp ngăn chặn loãng xương và giữ khung xương luôn chắc khỏe.Đau ống cổ tay Hội chứng ống cổ tay cũng là một căn bệnh mà những người làm văn phòng thường mắc phải do thường xuyên sử dụng máy vi tính và con chuột vi tính. Bệnh hay gặp ở những người thường xuyên sử dụng các cơ và gân của ngón tay, bàn tay, cánh tay, bả vai. Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu về dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu. Triệu chứng điển hình của bệnh là chứng tê tay, biểu hiện bằng việc đau, tê ngón trỏ và ngón giữa, yếu ngón cái, có thể thấy đau cổ tay, lòng bàn tay hoặc cẳng tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Người bệnh nhẹ cảm thấy tê buốt giống như bị kim châm ở bàn tay, nặng hơn thì cảm thấy rất đau ở bàn tay, có khi bỏng rát và nhức cả cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng. Bệnh thường bắt đầu từ tay thuận. Những người dễ mắc triệu chứng này là người thường xuyên sử dụng máy tính, nhà văn, biên tập viên, thư ký... Tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới (92%)... Hội chứng này cũng có thể xuất hiện song song với bệnh thoái hóa cột sống cổ… Ngoài ống cổ tay thì phần vai và cổ đau nhừ, cổ như cứng đơ ra, hai vai tê mỏi, tinh thần bứt rứt không ổn định. Tứ chi tê dại, tay chân có cảm giác đau và ít có cảm giác, nếu ở lâu trong phòng điều hòa tình hình càng nặng thêm. Nên thường xuyên tập các bài tập cho các khớp xương mỗi ngày để tránh tình trạng thoái hóa sớm và các bệnh xương khớp có thể xảy ra.Mỏi mắt và khô da Làm việc liên tục với máy tính, quá tập trung với ánh sáng màn hình sẽ khiến mắt không chỉ mỏi, khô, mà còn có thể gây nhức đầu, có cảm giác nôn nao. Và môi trường máy điều hòa tại văn phòng, thiếu không khí trong lành có thể làm da mất nước, khô ráp, nổi mụn. Theo một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, nguyên nhân được kể đến là do giảm gần 40% tần số chớp mắt (từ 14 lần/phút xuống còn 6-7 lần), khiến mắt bị khô. Khi dùng máy tính, mắt có khuynh hướng mở to hơn nên cũng nhanh khô, không đủ nước mắt và độ trơn để loại sạch bụi. Sử dụng điều hòa nhiệt độ khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có thể chênh lệch từ 5-10 độ. Điều này khiến da thường bị mất nước, khô rát, thậm chí còn giảm sức đề kháng, dễ dàng mắc các chứng dị ứng, viêm nhiễm. Do đó, bạn nên nghỉ ngơi 5 phút sau 60 phút làm việc cho mắt được thư giãn. Có thể dùng thêm thuốc nhỏ mắt để tránh tình trạng mắt nhức mỏi. Cũng như để làn da được khỏe mạnh, bạn nên uống nhiều nước, sử dụng thêm kem dưỡng ẩm thích hợp với từng loại da. Quan trọng hơn, để phòng ngừa các bệnh về mắt, bạn cũng cần chú trọng đến việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A vào trong bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ cải thiện thị giác. Còn với làn da, chị em đừng quên cung cấp vitamin E và vitamin C - chất chống ôxy hóa tốt, ngăn chặn các phản ứng xấu của gốc tự do trên tế bào, làm chậm quá trình lão hóa, chặn đứng quá trình hình thành hắc sắc tố (melanin), giúp làn da được dưỡng ẩm, trắng sáng và mềm mượt.Dễ căng thẳng thần kinh Biểu hiện của hình thức này là Stress. Nguyên nhân là do những áp lực của công việc và môi trường xung quanh. Stress có thể gây ra một số bệnh như rối loạn giấc ngủ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày, hội chứng đau nửa đầu, tai biến mạch não. Bệnh đau đầu cũng thường gặp với các triệu chứng như: Đau đầu giật giật, cảm giác có gì đó gõ vào đầu, kèm theo hoa mắt do làm việc bằng mắt quá tập trung (ngồi vi tính) thời gian lâu, ít được ngủ, áp lực công việc nặng nề, do thế ngồi làm việc không đúng, ít thay đổi tư thế... Để khắc phục tình trạng này, bạn nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ trưa hàng ngày trong khoảng 30 phút sẽ khiến đầu óc thoải mái, thư giãn hơn.Viêm loét dạ dày mãn tính Viêm dạ dày mãn tính là một biểu hiện cụ thể, nguyên nhân là do áp lực công việc nhiều, ít ngủ (một số nhân viên văn phòng quá ít ngủ trưa, hoặc thức khuya để làm việc), ăn uống không điều độ, ăn đồ ăn bên ngoài, đồ ăn nhanh… Một chế độ ăn uống khoa học và các bài tập thể dục, thề thao tăng cường sức khỏe là rất tốt để hạn chế tình trạng này. Hội chứng bệnh văn phòng còn có những biểu hiện khác không tốt cho sức khỏe như béo phì, ăn uống kém, đau vai, đau thắt lưng, sụn đệm cột sống thoái hóa, chèn ép thần kinh, gây tổn thương và đau nhức cho xương cùng, suy giãn tĩnh mạch... Mặc dù chúng không gây nguy hiểm ngay lập tức, nhưng nếu chúng ta chủ quan, không chú ý và không có các phương pháp cải thiện sức khỏe của mình, các căn bệnh này có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của chúng ta. Hãy tập thói quen thả lỏng cơ thể ít phút trong thời gian dài làm việc mỗi ngày, ngồi đúng tư thế, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể sẽ giúp bạn tăng sức sống, tinh thần minh mẫn và làm việc hiệu quả hơn. Nguồn: https://vuongkhopan.com/mot-so-benh-thuong-gap-o-dan-van-phong