Máy đùn gạch cải tiến giảm thiểu tai nạn Xuất phát từ thực tế lao động nặng nhọc, vất vả và không an toàn của những thợ làm gạch, kỹ sư Hoàng Thịnh tại tỉnh Đăk Lăk đã tạo ra chiếc máy đùn gạch cải tiến, giúp nâng cao năng suất lao động, đồng thời hạn chế tai nạn cho người sử dụng. Những máy đùn gạch kiểu cũ yêu cầu người lao động phải liên tục dùng tay hoặc chân ép nguyên liệu vào lô nghiền nhào. Điều này dễ dẫn đến tai nạn do mệt mỏi, thiếu tập trung. Đồng thời, máy có năng suất không cao, chất lượng gạch không đồng đều, do thường xuyên phải ngừng chạy để xử lý tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình do nguyên liệu xấu có lẫn sỏi sạn. Sản phẩm cải tiến của kỹ sư Hoàng Thịnh được bổ sung thêm trục cào và dao cán đã khắc phục được những nhược điểm đó. Ông Thịnh cho biết trên trục cào có các dãy răng bố trí quanh trục với kích thước, hình dáng, khoảng cách, góc nghiêng, số lượng... tuỳ theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại máy. Trục cào được đặt bên trong phễu chứa nguyên liệu, ở vị trí thích hợp để cào, cuốn ép nguyên liệu đã phối trộn (đất sét + nước + than đá) xuống các lô nghiền nhào. Dao cán được đặt song song và nằm giữa hai lô nghiền nhào, có kích thước góc vát lưỡi, vật liệu, độ dày... đủ để khi nghiền nát các vật cứng như sỏi sạn không bị uốn cong, biến dạng. Dao cán có tác dụng hỗ trợ 2 lô nghiền nhào làm vỡ vụn các hạt sỏi sạn lẫn trong nguyên liệu, tăng khả năng nghiền nhuyễn, tạo độ đồng nhất nguyên liệu, tăng độ kết dính và độ nén cho sản phẩm gạch, nhờ vậy chất lượng sản phẩm được nâng cao. Đồng thời, chi tiết này cũng khắc phục được tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình do vướng sỏi, đảm bảo sản xuất được liên tục và ổn định. Nhờ những bộ phận cải tiến này mà máy đã giảm ít nhất 1 công lao động cho việc nhào trộn đất trước khi vào máy và 1 công lao động tiếp nguyên liệu vào máy. Nếu máy cũ cần 7 người lao động thì giờ chỉ còn 5. Hiệu suất làm việc của máy cũng tăng lên 25%, tiết kiệm nhiên liệu 10-12 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Thịnh, máy đùn gạch có thao tác đơn giản, an toàn, không đòi hỏi lao động có kỹ thuật cao, có thể giải quyết việc làm cho các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên. Sản phẩm đã đoạt giải khuyến khích Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2005.
Sản phẩm cải tiến của kỹ sư Hoàng Thịnh được bổ sung thêm trục cào và dao cán đã khắc phục được những nhược điểm đó.