Hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại các Công ty vận tải cần có sự tính toán kỹ để đưa ra mức cước hợp lý, cần sự chia sẻ của bạn hàng và giải pháp hỗ trợ của các địa phương, của Chính phủ. Bài toán đau đầu Có thể nói đây là thời điểm khó khăn của cả nền kinh tế. Tăng cước vận tải lúc này là chuyện bất khả kháng của các doanh nghiệp vận tải. Cước vận tải, theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Cho đến nay, với các cách suy tính khác nhau, mức tăng cũng được các doanh nghiệp đưa ra rất khác nhau. Chuyên về vận tải hàng hóa nội địa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Vận tải 24 giờ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: không chỉ xăng dầu tăng giá, thêm vào đó là một số chi phí kèm theo mà các công ty vận tải phải chi trả thêm: Phí bảo trì bảo dưỡng phương tiện vận tải, phí bảo trì đường bộ đối với ô tô cũng đã bắt đầu triển khai từ ngày 30/01/2012… Tất cả những nhân tố đó đã trở thành một bài toán đau đầu là bài toán “Cước vận tải” Vận tải là ngành dịch vụ nhạy cảm. Giá cước tăng, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến người tiêu dùng và hoạt động của nền kinh tế. Doanh nghiệp vận tải cần phân tích những đặc điểm của tình hình KT-XH, các chính sách có liên quan đến vận tải đường bộ để có những hoạch định kế hoạch kinh doanh chính xác. Trên cơ sở dự báo những năm tới, căn cứ thực lực của mình, các doanh nghiệp vận tải cần xây dựng kế hoạch 5 năm tái cơ cấu, thực hiện chiến lược tiết kiệm, theo nguyên tắc chỉ đầu tư các dịch vụ có hiệu quả, giảm hoặc bỏ những dịch vụ ít hoặc không có hiệu quả kinh tế. Cần tiến hành tổng kiểm tra lại chất lượng tài sản, nhất là phương tiện ôtô, tập trung sửa chữa, bảo dưỡng nâng cao chất lượng phương tiện, chọn loại phương tiện tiêu hao nhiên liệu thấp để đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần rà soát lại toàn bộ nguồn vốn, nhất là vốn vay ngân hàng.