Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn, nó chỉ ăn cỏ, nên gọi nó là Nhân thú (con thú có lòng nhân từ) Kỳ lân có tánh linh, khi có vua chúa, thánh nhân ra cứu đời thì tượng kỳ lân sẽ xuất hiện báo trước điềm lành, sắp có thái bình thịnh vượng. Ở Trung Quốc, Lân cũng được sử dụng như con vật linh thiêng bảo vệ cho các công trình kiến trúc, dinh thự, lăng mộ… Nó được dùng để trang trí trên các bức bình phong của chùa, đền, miếu… nhiều lúc nó lại chuyên chở trên lưng các bức cổ đồ hình bát quái… với ý niệm thể hiện sự may mắn luôn song hành cùng chữ nghĩa, đạo lý trong cuộc sống, đó là sự bảo trợ cần thiết mang tính linh thiêng. Hình tượng Lân cũng đã du nhập vào Việt Nam theo bước chân xâm lăng và ý muốn đồng hóa dân tộc Việt của người Hán. Sự truyền bá văn hóa đó đã diễn ra có lúc mãnh liệt có lúc tàn bạo với ý muốn hủy diệt. Hình tượng kỳ lân từ đó đã xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, ngay cả sau khi đất nước đã giành được độc lập. Tuy nhiên, bên cạnh chi tiết trang trí con Lân thì trên các công trình kiến trúc, đồ gốm, đồ đồng ở nước ta thì còn xuất hiện thêm một hình tượng trang trí rất thú vị, nó có hình dáng rất giống với con Lân nhưng không hẳn là con Lân.