Cùng với sự phát triển du lịch Ninh Bình, nghề gốm cổ truyền thống làng Bồ Bát nay là thôn Bạch Liên – xã Yên Thành – huyện Yên Mô- Tỉnh Ninh Bình, cũng trỗi dậy và phát triển. Nổi bật trong số đó phải kể đến doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát của anh Phạm Văn Vang – một chàng trai 8X với những hoài bão lớn lao, người đầu tiên khôi phục lại làng nghề gốm Bồ Bát ở nơi đây. Trăm năm qua, gốm Bát Tràng đã là một "thương hiệu" nổi tiếng từ Bắc vào Nam và tiếng tăm còn vượt cả ra ngoài biên giới. Gốm Bát Tràng hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, gốm Bát Tràng đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ... Ấy thế nhưng, cũng trăm năm qua, gốm Bồ Bát lại là một cái tên bị lãng quên. Nếu muốn tìm hiểu thông tin về tên của làng gốm này, chỉ có một kết quả duy nhất: Đó là "tổ nghề" của làng gốm Bát Tràng. May mắn được đến thăm nghệ nhân Phạm Văn Vang trong một buổi chiều tà, quả thực chàng thanh niên này đã khiến tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Theo lời anh kể thì từ khi tuổi còn thơ, dù cả làng đã không còn nghề gốm, nhưng anh vẫn được nghe ông bà kể lại rằng nghề gốm Bồ Bát đã xuất hiện ở đây trên 300 năm về trước. Có thời gian làng nghề hưng thịnh, cả làng ai cũng làm và sống bằng nghề gốm. Về sau này do chiến tranh, cuộc sống nhiều khó khăn, hàng gốm không còn được ưa chuộng nên làng nghề mất dần đi. Với mong muốn sẽ hồi sinh lại nghề truyền thống gốm Bồ Bát của quê hương, lớn lên, anh nông dân Phạm Văn Vang đã quyết tâm đi tìm học nghề gốm và trong suốt 10 năm qua, anh đã tự mình đi tìm hiểu, xin học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa về mở lò gốm tại quê hương và nhiệt tình truyền dạy nghề cho người trong làng. Cùng chung sức với quyết tâm của anh Vang, người dân làng Bạch Liên, xã Yên Thành đang dần dần khôi phục lại nghề làm gốm đã bị thất truyền. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ nhất phải là khi tới thăm xưởng của gia đình anh Vang. Một khu mái lợp tôn rộng hơn 500 mét vuông với hơn 20 thợ, mỗi ngày sản xuất hơn 5000 sản phẩm là quy mô xưởng sản xuất gốm hiện tại của anh. La liệt khắp xưởng là những sản phẩm gốm Bồ bát với màu men trắng như ngà, mỏng, nhẹ, độ cứng cao do được nung ở nhiệt độ 3000 độ C, không giống như những đồ gốm Trung Quốc khác, do muốn cắt giảm chi phí nên chỉ được nung ở nhiệt độ 500 -600 độ C. Chính vì sử dụng một loại đất sen riêng của Ninh Bình cùng việc nung ở nhiệt độ cao nên doanh nghiệp của anh đã tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ, rất phù hợp cho gia dụng của các nhà hàng, khách sạn – những nơi thường xuyên phải sử dụng máy rửa bát. Ghé thăm xưởng đúng vào lúc những người thợ nơi đây đang xếp các sản phẩm gốm mỹ nghệ và ấm chén, bát đĩa đóng thùng chuẩn bị mang đi làm quà tặng cho Đại hội Đảng 2015 nên không khí làm việc vô cùng tấp nập, rộn ràng. Ngoài những sản phẩm chính là gốm mỹ nghệ như chuông gió, vòng cổ bằng gốm, còn có các sản phẩm như lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa với đa dạng hình dáng, các màu men được chế tác khá tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí nghiêng về các mẫu họa tiết truyền thống tinh tế thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở vùng đất có gốc làm nghề. Thời khắc khi nhìn các nghệ nhân trẻ tuổi miệt mài vẽ các họa tiết lên sản phẩm, hay nhào nặn đất... dường như tôi đã thấy cái khí thế của một làng nghề đang dần quay trở lại, dù còn nhiều khó khăn trước mắt. Vậy là tâm huyết của chàng thanh niên trẻ tuổi Phạm Văn Vang và người dân làng Bạch Liên đã làm sống lại và đỏ lửa lò gốm cổ đã nguội tắt từ cách đây hàng trăm năm, sống lại thương hiệu gốm Bồ Bát. Không chỉ có vậy chắc chắn thương hiệu gốm Bồ Bát còn vươn xa hơn nữa với những sự ủng hộ nhiệt tình của sở công thương Ninh Bình như bà Phạm Thị Hồng đã nói “ Để gây dựng lại làng nghề truyền thống và hỗ trợ doanh nghiệp gốm Bồ Bát phát triển, Sở đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu cho gốm Bồ Bát để phục vụ cho việc phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.”Mọi thông tin về doanh nghiệp Gốm Bồ Bát Ninh Bình liên hệ: Anh Phạm Văn Vang – Di động: 0982855277 Điện thoại: 0303838215 Địa chỉ: thôn Bạch Liên – xã Yên Thành – huyện Yên Mô- Tỉnh Ninh Bình Email: gombobat@gmail.com