Từ chỗ giá chỉ 5.000 -7.000 đồng/kg vẫn không bán nổi, nhưng khi được cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Cao Phong” vào năm 2014, sản phẩm cam của huyện Cao Phong, Hòa Bình được bán tại vườn với giá 25.000-40.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên đến 60.000 đồng/kg.Khoa học đẩy giá cam tăng vọt Bà Đào Quỳnh Nga – một hộ trồng cam tại khu 6, thị trấn Cao Phong – vui vẻ chia sẻ về cây đặc sản đã giúp nhiều người dân nơi đây đổi đời: “Nhà tôi 4 anh em đều sống bằng nghề trồng cam, từ đời ông bà, cha mẹ đã gắn bó với cây cam; nhưng trước đây chỉ biết trồng mà không có cách nâng giá trị của nó. Nhờ khoa học và công nghệ (KH&CN), nhờ các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng mà trái cam Cao Phong đã tăng giá trị”. Bà Nga kể, khi chưa có CDĐL, giá cam Cao Phong có lúc chỉ 5.000-7.000 đồng/kg mà vẫn khó bán. Từ khi quả cam ở đây được cấp chứng nhận CDĐL, tình hình đã đảo ngược: “Càng nhiều người biết đến cam Cao Phong, giá càng cao. Giá cam tại vườn hiện nay trung bình là 25.000-40.000/kg tùy từng thời điểm. Với năng suất khoảng 50 tấn/ha, người dân thu được ít nhất là 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 700 triệu đồng/ha”. Với 5ha cam, những năm mưa nắng thuận hòa, được giá bán như 2016, tính sơ sơ gia đình bà Nga đã bỏ túi vài tỷ đồng. Tuy nhiên, sự tăng vọt về giá trị của cam Cao Phong không chỉ đơn thuần nhờ “danh” CDĐL mà do cái danh đó đi liền với thực. “Sau khi cam Cao Phong được cấp CDĐL, cán bộ khoa học của Sở KH&CN Hòa Bình và các cơ quan trong tỉnh đã tổ chức nhiều lớp học về canh tác cho bà con để sản xuất ra quả cam sạch. Tất cả các giai đoạn từ khi chọn giống tới chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, vôi… đều phải theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu chí đặt ra là khi cam vào vụ thu hoạch, chất lượng và độ an toàn phải được đảm bảo” – bà Đào Quỳnh Nga chia sẻ. Ngoài ra, địa phương còn thành lập Hội Trồng cam Cao Phong chuyên đi kiểm tra các nhà vườn, giám sát khi thu hoạch để xem dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có đạt chuẩn hay không. Việc giám sát lẫn nhau này nhằm đảm bảo sự công bằng cho các hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ uy tín chung cho cam Cao Phong. Đây là những hộ được Nhà nước bảo hộ từ cây giống đến cách chăm sóc nên chất lượng quả cam được đảm bảo tuyệt đối, giá thành sản phẩm vì thế cũng cao hơn những hộ trồng bình thường không theo tiêu chuẩn VietGAP. >>> Xem thêm: Thông tin mùa vụ cam Xã ĐoàiXuất hiện nhiều tỷ phú cam Ông Đỗ Hải Hồ – Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình – chia sẻ, nhận thấy cây cam Cao Phong có tiềm năng phát triển, những năm qua sở đã phối hợp với Trung tâm Phát triển hệ thống nông nghiệp – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL cho sản phẩm này. Ngành KH&CN tỉnh trước đó đã vào cuộc nghiên cứu đất đai, thổ nhưỡng để chọn dòng sản phẩm phù hợp và đưa tiến bộ kỹ thuật vào các khâu canh tác – từ chọn giống đến chăm sóc theo tiêu chuẩn ViepGAP. Ngày 5/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN đã ra quyết định cấp chứng nhận đăng ký CDĐL “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong – chứng nhận đăng CDĐL đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình. CDĐL này bước đầu được bảo hộ cho 4 giống cam: CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. “Chúng tôi đã xây dựng được 8 sản phẩm đặc sản, nổi bật nhất là cam Cao Phong đã được cấp chứng nhận CDĐL. Kể từ đó, quả cam có thương hiệu, nhiều người tiêu dùng biết đến nên giá trung bình được nâng lên. Thậm chí vào dịp tết, giá cam Cao Phong lên đến 60.000 đồng/kg. Nhờ cây cam, nhiều hộ nông dân đã thành tỷ phú. Rất nhiều gia đình đã mua được ôtô” – ông Hồ chia sẻ. Ông Bùi Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – nhận định: “Thời gian qua, KH&CN địa phương đã đạt nhiều kết quả nổi bật, một số dự án đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Chẳng hạn, việc xây dựng và công bố CDĐL “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã giúp tăng giá trị quả cam. Cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp cả nước, nâng diện tích trồng từ 1.200ha năm 2014 lên gần 3.000ha năm 2016, dự kiến sẽ phát triển thành hơn 5.000ha vào năm 2020”.