Chiếc trống đồng ở Phù Cát: cổ hay giả cổ? Mới đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định đã tiếp nhận một chiếc trống đồng cổ còn nguyên vẹn, được "phát hiện" tại huyện Phù Cát. Nếu đúng là đồ cổ, đây sẽ là chiếc thứ 14 thuộc nền văn hoá Đông Sơn được tìm thấy tại Bình Định từ 1996 đến 1999. Nhưng... Qua giám định ban đầu, một nghi ngờ được được đặt ra: Đây có thể là chiếc trống đồng giả cổ. Toàn thân trống được phủ lớp patin màu gỉ xanh lá mạ. Dáng trống với ba phần phân biệt nhau rõ rệt: Tang nở, thân hình trụ tròn, chân choãi rộng, mặt trống đồng chưa chồm ra khỏi tang. Về hình dáng, chiếc trống này theo đúng "quy chuẩn" của trống Đông Sơn, loại I Heger. Tuy nhiên, không như các trống Đông Sơn khác là mỗi bên trống có 2 quai đơn hay 2 quai kép, quai trống một đầu được gắn vào tang trống, đầu còn lại gắn vào thân trống, ở đây, trống có 4 quai kép được phân bố cách đều nhau và gắn ở giữa thân trống (nếu xỏ dây treo trống không giữ được thăng bằng). Trống Đông Sơn có số lượng tượng cóc luôn luôn là số chẵn 4-8 và những tượng cóc được bố trí ở rìa mặt trống. Trống này 4 khối tượng cóc được gắn ở tang trống. Chính giữa mặt trống là ngôi sao 13 cánh nhọn, không đều nhau, có u tròn nổi ở tâm, được đúc rất thô. Quanh ngôi sao không có những hình hoa văn chim lạc và hình người múa hoá trang lông chim quen thuộc như ta thường thấy trên trống đồng Đông Sơn, mà thay vào đó là những hình người được tả thực một cách đơn giản: Đủ cả đầu, thân, hai tay và hai chân. Bốn cặp người đi săn được bố trí xen kẽ 4 cặp người giã gạo thì thân, mình, tay, chân và vũ khí là những nét gạch đơn tạo thành những hình "người que diêm"... Mặc dù về dáng vẻ trống đồng này giống trống loại I Heger nhưng phong cách trang trí hoa văn có nhiều điều xa lạ với phong cách nghệ thuật Đông Sơn. Hoa văn trên trống Đông Sơn thanh thoát, có cả nét hoa văn chìm lẫn hoa văn nổi, người xưa đã mất khá nhiều công sức tài hoa để khắc họa từng nét trên các mang khuôn và cả trên trống mẫu. Còn người thợ đúc trống đồng này dùng que khắc chìm vào khuôn (chứ không phải khắc vào trống mẫu). Từ "âm bản" của khuôn ra "dương bản" đúc nổi của trống này. Qua dấu vết đúc, chúng ta có thể biết được trống đúc theo phương pháp thủ công của các lò đúc hiện nay: Khuôn hai mang xẻ dọc hai bên thân trống và tuyệt nhiên không có dấu con kê nào. Điều này khác với trống Đông Sơn là đúc bằng khuôn ba mang: Do đó thân trống có rất nhiều dấu con kê. Một điểm khác nữa rất dễ nhận thấy là chiếc trống này rất dày so với các trống Đông Sơn. Căn cứ những điểm khác biệt giữa trống đồng Đông Sơn và chiếc trống đồng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định vừa nhận, rất có thể đây là chiếc trống đồng giả cổ. Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, cho biết khoảng cuối năm 2000, chiếc trống đồng này được Công an tỉnh thu giữ và chuyển giao khi hiện vật đang được vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Sau khi được quản lý tại Bảo tàng Quang Trung, ngày 5/6, chiếc trống được bàn giao cho Bảo tàng Tổng hợp bảo quản. Theo ông Thọ thì chiếc trống này còn nguyên vẹn, nhưng chưa thể khẳng định thật - giả, bởi lẽ chiếc trống chưa qua giám định của Hội đồng Khoa học.