Cây đàn piano giống như một người bạn chung tìnhNguyễn Trung Minh với những người quen biết đôi khi anh là ông chủ của Minh Nguyên Piano Boutique, có lúc anh là một người thầy chăm chút từng nốt nhạc cho học trò, lúc anh là “bầu show” tổ chức những chương trình hòa nhạc cổ điển rồi bất ngờ xuất hiện trên sân khấu thăng hoa với những ngón đàn điêu luyện. Từ một cậu bé say mê tiếng đàn piano trốn nhà thi vào nhạc viện, có thể nói đến bây giờ người doanh nhân – nghệ sĩ này đã có thể sống bằng, sống với và sống cho niềm đam mê của mình.* Anh có thể chia sẻ một chút về cơ duyên của mình với cây đàn piano? - Tôi còn nhớ vào năm 10-11 tuổi, mẹ tôi mua cây đàn piano cho chị gái tôi học, nhưng tôi lại mê đắm tiếng đàn piano đó lúc nào không hay. Yêu đến mức lúc nào tôi cũng chỉ muốn nhìn thấy cây đàn, bạn bè cũng không màng, học lực thì từ khá giỏi tụt ngay xuống trung bình. Lúc đó gia đình không cấm cản nhưng cũng chỉ nghĩ để tôi học đàn cho vui. Năm 1989, cùng lúc tôi nộp hai bộ hồ sơ thi vào khoa Nha Trường Đại học Y Dược TP.HCM và khoa Piano Nhạc viện TP.HCM, nhưng đến phút chót, tôi lại chọn thi vào nhạc viện. Đến lúc nhận được giấy báo trúng tuyển vào hệ trung cấp bốn năm Nhạc viện TP.HCM gia đình mới biết và con đường nhập học của tôi cũng không thuận lợi. Không chỉ gặp phải sự phản đối của gia đình, các thầy cô còn nói thẳng rằng tôi không có hy vọng gì vì đã quá lớn tuổi (20 tuổi). Thời gian đầu, tôi phải đi tập đàn nhờ ở ca đoàn nhà thờ Tân Định. Đến cuối học kỳ đầu tiên, tôi thi đạt điểm tối đa và cứ tiếp cái đà đó tốt nghiệp trung cấp rồi đại học. Sau khi tốt nghiệp bậc đại học, ngoài việc dạy học, có một thời gian tôi có làm việc cho một công ty nước ngoài, nhưng có lẽ do còn duyên nợ với cây đàn piano, đi xuôi về ngược thế nào tôi vẫn trở lại với nó. Dù việc kinh doanh đàn đã được làm quen từ khi còn đang theo học ở nhạc viện, tôi mở ra công ty kinh doanh chính thức từ năm 2000 và cũng gặp không ít thất bại nhưng may mắn là vẫn có thể trụ lại được đến bây giờ.* Với không ít khó khăn như vậy, nếu được lựa chọn lại liệu anh có tiếp tục gắn bó với cây đàn piano một lần nữa và tại sao? - Đến nay gia đình tôi vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ lựa chọn của tôi. Ba mẹ tôi nghĩ, nếu đi theo định hướng của gia đình từ đầu tôi sẽ gặp ít trắc trở, khó khăn hơn trong sự nghiệp, và có lẽ là cả trong chuyện lập gia đình nữa. Ngày đó khi gặp phải sự phản đối và hoài nghi của mọi người, tôi quyết tâm mình phải làm được dù thú thật tôi cũng có nhiều bất lợi khi bắt đầu học piano chuyên nghiệp khá trễ. Nhưng bù lại, gặp nhiều trắc trở và nhiều lần đối đầu với những khó khăn lại giúp tôi trở thành một người thầy có nhiều kinh nghiệm hơn, tận tâm hơn. Tôi muốn học sinh của tôi có được tất cả những sự cảm thông, hướng dẫn cũng như khuyến khích mà ngày trước mình không có. Và tại sao lại vẫn là cây đàn piano khi tôi chuyển hướng sang kinh doanh, vì đó là thứ mà tôi hiểu nhất và tự tin rằng mình có thể làm tốt. Sinh ra trong gia đình khoa học kỹ thuật nên tôi có thể nắm bắt được nguyên lý hoạt động của cây đàn. Ngoài ra, âm thanh có những phạm trù mà chỉ những người có thâm niên chơi nhạc chuyên nghiệp mới có thể nắm bắt và đánh giá được. Tôi không chỉ bảo đảm với khách hàng những cây đàn chính hãng, chất lượng mà còn là những cây đàn có âm sắc đẹp. Tình yêu với cây đàn piano không để cho tôi làm khác. Đối với tôi, cây đàn piano giống như một người bạn chung tình từ đầu đến cuối, lúc nào cũng vậy. Thêm một lý do nữa, với công việc này lúc nào tôi cũng có thể nhìn thấy những cây đàn piano, chỉ đơn giản thế thôi là tôi vui rồi. Vì đã yêu cây đàn piano nên tôi phải hết mình với nó. Tôi luôn cố gắng sống sao để không phải lãng phí cảm xúc của mình.* Một người có tâm hồn nghệ sĩ như anh khi bắt đầu công việc kinh doanh vốn rất cần một cái đầu lạnh có gặp nhiều khó khăn? - Tôi cũng gặp phải nhiều thất bại trong giai đoạn đầu kinh doanh nhưng chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm. Đối với tôi việc chơi đàn cũng giống như kinh doanh vậy. Người nghệ sĩ thăng hoa nhất không phải vào những giây phút cảm xúc chênh vênh, mà là những lúc cảm thấy cân bằng, tỉnh táo và bình tĩnh.* Được biết những chương trình hòa nhạc cổ điển của anh đều rất thành công và tạo được dấn ấn riêng với công chúng. Liệu bây giờ có thể gọi anh với chức danh nhà sản xuất (producer)? - Điều đó thì tôi không thể trả lời được. Bởi tôi chưa bao giờ nghĩ mình tổ chức chương trình để có thêm một chức danh nào đó. Đơn giản là tôi muốn thỏa mãn tình yêu của mình đối với nhạc cổ điển. Nhạc cổ điển là một dòng nhạc kén khán giả, đặc biệt là ở Việt Nam độ lan tỏa của dòng nhạc này vẫn còn yếu. Tuy nhiên cơ hội để đưa dòng nhạc này đến gần hơn với công chúng theo tôi nhận định là có, quan trọng là cách thức như thế nào cho phù hợp. Tôi đã cố gắng chăm sóc cho các chương trình mà tôi thực hiện bằng tất cả sự tỉ mẩn, say mê và tinh tế nhất mà mình có thể. Có ba chuỗi chương trình hòa nhạc chúng tôi đã tổ chức và đang có kế hoạch xây dựng lại sau một thời gian gián đoạn: Hòa nhạc mùa xuân (Spring Concert) là những chương trình mang tính hàn lâm, Âm nhạc và trẻ em (L’ enfant et La Musique) dành cho thiếu nhi và các cháu học sinh và Âm nhạc và tình yêu (Music and Love)… Tôi còn nhớ chương trình nhạc cổ điển đầu tiên: Những khoảnh khắc tình yêu (Moments of Love) tổ chức từ năm 2009 bao gồm các tác phẩm cổ điển có giai điệu đẹp dễ đi vào lòng người, nhưng nhiều anh chị nghệ sĩ ban đầu phản đối cách chọn bài của tôi, lo lắng những tác phẩm ít phô diễn kỹ thuật sẽ khó tạo được không khí của một buổi hòa nhạc cổ điển đúng nghĩa. Tuy nhiên đây là chuỗi chương trình tạo cho tôi nhiều cảm hứng và tâm đắc vì nó giúp khán thính giả dễ cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển, nhận ra sự gần gũi quen thuộc của âm nhạc cổ điển trong đời sống mình và ngôn ngữ âm nhạc cổ điển đã có được sự đồng cảm cao giữa nghệ sĩ và khán giả… Đó là điểm giao hòa giữa cái tôi của người nghệ sĩ và nhu cầu của khán giả.* Những chương trình của anh, dù là ở thể loại nào, đều được đánh giá rất cao về mặt tổ chức. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này? - Vì tôi cũng là một người nghệ sĩ, nên tôi hiểu người nghệ sĩ cần gì và xứng đáng với những gì. Tôi chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết một, không phải chỉ vì phần nhìn của khán giả mà chủ yếu là dành cho người nghệ sĩ. Sân khấu là thánh đường của nghệ sĩ, khi biểu diễn trong một không gian đẹp, trong một chương trình được chăm chút và với những khán giả đồng cảm người nghệ sĩ cũng dễ thăng hoa hơn. Cũng chính vì lý do đó nên tôi làm hết sức và thật lòng.