Tủ lạnh của chúng ta rất nhanh bị giảm tuổi thọ và phát ra tiếng ồn do nhồi nhét quá nhiều thực phẩm: thịt, thịt gia cầm, rau, bánh nướng, đồ uống, trái cây, gia vị và nhiều hơn thế nữa. Và nếu chúng hết hạn hoặc không được sắp xếp hiệu quả, bạn đang lãng phí năng lượng và tiền bạc bằng cách khiến tủ lạnh chạy quá công suất. Trong thực tế, tủ lạnh chạy không hiệu quả có thể thêm hàng ngàn kilowatt giờ (và hàng triệu đồng) hóa đơn tiền điện mỗi năm. Nếu bạn có đủ tài chính để mua tủ lạnh mới tiết kiệm điện năng thì xin chúc mừng! Nhưng nếu bạn muốn làm tủ lạnh cũ hoạt động tiện lợi và tiết kiệm điện hơn thì vài điều dưới đây có thể giúp bạn. Đầu tiên, kiểm tra xem các miếng đệm mút ở cửa có khít hay không. Trượt một tờ tiền giấy ở giữa khe tủ rồi đóng cửa lại. Sau đó, cố gắng kéo tờ tiền ra. Nếu tờ tiền trượt ra dễ dàng, cánh cửa có dấu hiệu đóng không đủ chặt. Lúc này, dùng khăn lau sạch hai bên đầu mút để loại bỏ hết bụi bẩn. Nếu cửa tủ vẫn không khít, bạn nên cân nhắc đến việc sửa chữa để tránh tủ lạnh bị hở không khí ra ngoài. Tiếp theo, luôn giữ các cuộn dây điện sạch sẽ. Tùy thuộc vào dòng máy, dây điện thường ở bên dưới hoặc mặt sau của tủ lạnh. Định kì hàng tháng, bạn nên dùng bản chải dài để làm sạch tủ lạnh hết bụi bẩn. Để tối đa hóa hiệu quả của tủ lạnh, bạn nên sắp xếp đồ ăn đúng chỗ. Trong tủ lạnh nên xếp đầy thức ăn nhưng không nên quá tải. Nếu nhồi nhét quá nhiều, không khí không thể lưu thông đủ để làm mát tất cả mọi thứ. Nếu tủ lạnh quá trống trải, máy nén phải hoạt động nhiều hơn để lấp đầy không khí nóng bên ngoài tràn vào sau mỗi lần bạn mở cửa tủ. Vì vậy, nếu có quá ít đồ ăn, bạn nên cho ở các ngăn kệ phía trên hơn là các hộc tủ kín. Không khí nóng sẽ ít tràn được vào các ngăn kéo và kệ phía trong, do đó không cần làm mát lại quá nhiều.