Cả làng mê đàn pianoĐàn piano thường được coi là một loại nhạc cụ "quý tộc" và khá kén người chơi, người nghe. Ấy vậy mà tại một làng quê đồng chiêm trũng của tỉnh Nam Định, có những người nông dân ngồi say mê bên phím đàn piano. Những ngón tay của họ vẫn đầy dấu vết lao khổ ruộng đồng...Niềm đam mê cháy bỏng Chúng tôi tới làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vào một ngày chủ nhật. Mặc dù đang vào mùa cấy của vụ chiêm, nhưng những người dân ham mê đàn hát vẫn tụ tập đông đủ ở phòng tập nhạc của nhà thờ Báo Đáp. Họ đến đây vào bất kỳ thời gian rỗi nào trong ngày để thỏa niềm đam mê tiếng đàn piano. Mở đầu cho buổi chơi nhạc hôm nay là ông Vũ Kim Long, một người đam mê tiếng dương cầm từ nhỏ. Hiện ông đang phụ trách đoàn nhạc kịch của thôn. Những ngón tay dạo bản nhạc Làng tôi trên đàn piano của ông Vũ Kim Long vẫn còn nét thô ráp vì vốn quen với đồng ruộng hơn là chơi đàn. Năm nay 54 tuổi nhưng ông Long đã có 32 năm gắn bó với cây đàn. Trong làng có cụ 70 - 80 tuổi cũng chơi thành thạo các bản nhạc đồng quê của Mozart, Beethoven. Nhiều cụ còn không biết viết nổi con chữ tên của mình nhưng lại có thể đọc được những bản nhạc khó của piano. Giống như nhiều người già trong thôn, ông Long không bao giờ quên được cái cơ duyên đưa ông đến với tiếng đàn piano. Vào một buổi chiều tà năm 1973, ông Long bắt gặp hình ảnh cha xứ của làng đang say sưa lướt nhẹ đôi tay trên phím đàn. Hình ảnh đó cứ in sâu vào tâm trí ông, ông ước mơ có một ngày mình chơi được loại nhạc cụ này. Vào thời ấy - cái thời "cơm không đủ ăn", "chữ không được học", ông Long vẫn nuôi ước mơ học đánh đàn piano. Không có đàn để học, ông lấy gạch non vẽ phím lên nền đất cứng. Ông cứ học "i tờ" về piano như thế. Ông tâm sự: "Chúng tôi là người sống bằng nghề làm ruộng. Tờ mờ sáng đã phải đi ra đồng, nên có bất kỳ thời gian rỗi nào, chúng tôi cũng dành cho việc học đàn. Chúng tôi thường bỏ cả giấc ngủ trưa, rồi tối đến sau khi lên đèn chúng tôi cũng ngồi vào đàn học". Ông còn nhớ như in cái ngày ông được chạm tay vào phím đàn. Khi đó ông mới 12 tuổi. Phím đàn đó khác xa với trí tưởng tượng của ông và phím đàn đất mà ông vẫn tập hằng ngày. Nó thật đẹp, sang trọng và tiếng của nó thật êm ái. Nước mắt ông trào ra lúc nào không hay. Đêm đó ông thức trắng vì niềm hạnh phúc trào dâng. Làng Báo Đáp có hơn 5.000 người, thì có hàng trăm người biết đánh thuần thục; còn biết đánh kiểu "mổ cò" như ông Long không phải là hiếm. Đối với ông Long, học và chơi đàn chỉ đơn giản là “học lấy đức tính kiên trì. Nó dạy con người ta tính hướng thiện, bay bổng, biết yêu cuộc sống, yêu đời".Kỷ vật thiêng liêng của “làng” piano Ông Long bảo, bọn trẻ bây giờ thật sướng khi ngay từ đầu đã được chơi nhạc trên những cây đàn piano trị giá hàng chục triệu đồng. Còn cái thời của ông được chơi trên một cây đàn hơi có tên là hacmonium đã là một niềm hạnh phúc vô bờ rồi. Cây đàn này đã trở thành một người bạn tri kỷ với người dân ở đây từ năm 1936. Theo cha xứ Phạm Xuân Thi, giáo xứ Báo Đáp, thuộc địa phận Bùi Chu, Nam Định: "Ngày xưa ở nhà thờ chúng tôi chơi hacmonium. Hacmonium là cái chiếc đàn giậm bằng hai chân để tạo hơi cho phím đàn. Trong đàn có cái hộp gió, hộp gió này sẽ tích hơi khi người chơi đạp chân, sau đó phả hơi vào các bàn phím. Bàn phím bằng đồng khi gặp luồng gió kết hợp với quá trình đánh nhạc của người chơi. Tiếng đàn sẽ rung lên rất êm ái và du dương". Cây đàn này được mua bằng tiền Đông Dương, mà theo người dân trong làng có thể đổi được hàng ngàn mẫu đất thời đó. Cây đàn đã đoạt nhiều giải thưởng về âm nhạc thời kỳ đó. Bằng chứng là những tấm huy chương vẫn còn in đậm trên vỏ đàn: năm 1876 đã đoạt huy chương vàng tại Paris (Pháp); huy chương vàng năm 1873 ở Viên (Áo); huy chương vàng năm 1881 ở Milan (Ý). Tuy đã "già" nhưng đối với nhiều người trong thế hệ của ông Long thì cây đàn cũ này là một báu vật của làng.Những phím đàn ngân vang mãi Đến nay, không ai còn nhớ phong trào chơi piano của làng bắt đầu từ khi nào. Không trường lớp, không thầy giáo, người biết chơi dạy người chưa biết, thế hệ trước dạy thế hệ sau. Cứ thế việc học và chơi piano truyền từ đời này sang đời khác. Theo anh Nguyễn Văn Trụ, một người biết chơi piano khá nhất làng Báo Đáp hiện nay: "Việc học đàn piano đối với dân làng không phải đơn giản vì thực chất không có thầy giáo, sách vở gì cả. Từ xưa đến nay vẫn chỉ bảo nhau theo lối truyền miệng, chơi mẫu, người muốn học thì nhìn vào đó mà làm theo thôi. Bọn em tự tập với nhau là chính. Mãi sau này, thấy bọn em có năng khiếu về âm nhạc, cha xứ và gia đình mới tạo điều kiện cho bọn em được đi học tại nhạc viện. Theo đó, những thế hệ tiếp sau em sẽ được học và chơi piano một cách bài bản nhất". Cứ mỗi chủ nhật hằng tuần, Trụ cùng nhóm bạn mình lại đến dạy nhạc cho các em (từ 7-15 tuổi). Đây là lứa tuổi được phép học nhạc của làng quy định. Nhiều đứa trẻ mê chơi nhạc, thường trốn ăn, trốn ngủ để đi tập. Cô bé Nguyễn Thị Linh, học lớp 8A, Trường PTCS Nam Quang cho biết, nhờ có sự dạy bảo tận tình của các anh chị đi trước, đến nay em có thể chơi thuần thục nhiều bản nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới. Ở làng Báo Đáp, ngoài piano, hiện nay người dân trong làng còn học thêm nhiều loại nhạc cụ mới như organ, violon, đàn tranh, đàn tam thập lục, kèn, trống. Vào những ngày lễ hội của làng, những người biết chơi nhạc cụ thật giỏi mới có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Còn những người biết chơi "sơ sơ" đành ngậm ngùi và cố gắng học thật tốt để lần sau có cơ hội được chơi trong dàn nhạc "giao hưởng" của làng. Cuối buổi chiều, chúng tôi rời làng Báo Đáp nhưng những bản nhạc du dương, êm ái và thanh bình trên những phím đàn piano cứ ngân vang mãi không thôi. Mỗi khi rời cái cuốc, cái cày, những ngón tay dính đầy bùn đất lại tìm đến cây đàn. Cứ thế, bao thế hệ làng Báo Đáp vẫn hăng say lướt trên phím đàn, giữ tiếng thơm cho "làng” piano.