Trước đây mình có lần mình xem trên mạng hình bánh ngọt của Nhật Bản, mình cực kỳ ấn tượng vì vẻ đẹp và sự tinh tế của các loại bánh này. Phải nói là đẹp đến không nỡ ăn, và nó giống thật đến nỗi mình thắc mắc hoài không biết họ làm bằng gì mà khéo thế, nào là quả đào tiên, bông hoa anh đào, hoa mai, con thỏ, chiếc lá, giọt sương, những loại bánh tuyết thiên sứ….Mỗi cái bánh thực sự là 1 tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và khéo léo đến từng chi tiết, người Nhật thật sự có 1 nền văn hóa ẩm thực rất tinh tế. Trước tiên cũng phải biết sơ lược qua 1 chút về lịch sử hình thành các loại bánh ngọt Nhật bản Wagashi là từ dùng để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng. Người dân xứ anh đào vốn có quan niệm mĩ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống Nhật Bản. Wagashi – Bánh của giới thượng lưu Nhật Bản Wagashi xuất hiện ở Nhật từ rất sớm, vào thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn tế thần. Nhưng phải đến thời Edo (1603-1867), wagashi mới được phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao. Nghề làm wagashi phổ biến khắp nước Nhật, các cửa hiệu làm bánh mọc khắp Kyoto cho đến các vùng lân cận. Mục đích sử dụng bánh cũng đa dạng hơn. Chúng xuất hiện như món tráng miệng kích thích vị giác sau buổi tiệc trà thanh đạm, góp mặt vào bữa ăn của quý tộc như sự khẳng định đẳng cấp, được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại,… Tới thời Minh Trị (1868-1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu món bánh này đến với phương Tây. Kể từ đó, wagashi luôn được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu cho ẩm thực Nhật Bản. Ý nghĩa đằng sau bánh wagashi Ở mảng ẩm thực, cái tên wagashi xuất hiện không chỉ là món bánh ngọt thông thường, mà còn là bộ môn nghệ thuật đặc biệt tinh tế và độc đáo. Wagashi có tên Tiếng Hán là “Hòa quả Tử”, tức vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó mỗi chiếc wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết…) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm. Với ý nghĩa triết học phương Đông sâu sắc ẩn trong từng món ăn nhỏ bé, wagashi trở thành một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và đáng tự hào của người Nhật. Nghệ thuật wagashi trong đời sống hiện đại Ngày nay, wagashi truyền thống vẫn gắn liền với đời sống người Nhật. Một mặt wagashi tiếp tục lưu giữ những bản sắc độc đáo thời xưa, mặt khác được biến tấu cho phù hợp với đời sống công nghiệp và cả mục đích truyền bá đến nước ngoài. Với công thức chính là những nguyên liệu quen thuộc, giản dị như: Bột nếp, bột gạo, đậu đỏ, đường mía… nghệ nhân làm bánh sẽ biến hóa thành hàng trăm tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Wagashi có thể mang vẻ đẹp cổ điển của phong, hoa, tuyết, nguyệt, nhưng cũng có thể đầy chất hiện đại với hình dạng những nhân vật manga, hoạt hình nổi tiếng, v..v… Cùng điểm qua một vài loại wagashi điển hình để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực đặc sắc này các bạn nhé! 0. Bánh Tuyết Thiên Sứ Bánh tuyết thiên sứ (thơm) là loại bánh đông lạnh, có nguồn gốc từ Nhật Bản được tạo ra từ những thành phần tự nhiên: bột gạo hảo hạng bao phủ bên ngoài nhân bánh ngọt, bên trong gồm 3 lớp: Kem, bông lan và mứt thơm. Cảm giác mềm dẻo của vỏ bánh, sự tan chảy của kem sữa cùng một ít béo của Bông lan và mùi vị của mứt thơm hòa lẫn với hơi lạnh toát ra từ nhân bánh và màu trắng tinh khiết của bánh tạo nên điểm khác biệt của Bánh Tuyết Thiên Sứ nhân thơm. Bánh tuyết thiên sứ có thể làm món tráng miệng trong các buổi ăn, buổi tiệc, tiệc cưới tại nhà hay tại các nhà hàng tiệc cưới sang trọng, buffet,Tiệc Sinh Nhật & các tiệc nhẹ trong gia đình chuổi thức ăn nhanh, quán ăn vặt hoặc làm quà biếu người thân hoặc bạn bè. 1. Mochi Trong nghệ thuật wagashi, mochi là loại bánh cơ bản và phổ biến nhất. Mochi có công thức đơn giản từ bột gạo được nấu chín, giã nhuyễn cộng với nhân đậu đỏ và thường có hình tròn. Bột bánh mochi có nhiều màu và nhân bánh cũng hay được biến tấu với trà xanh, khoai môn, kem… 2. Namagashi Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, bởi nó mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa trên nước Nhật: Như hoa đào cho mùa xuân, quýt vàng cho mùa hạ, lá phong cho mùa thu, hoa mơ cho mùa đông… Qua namagashi, thiên nhiên Nhật Bản hiện lên sinh động, tươi đẹp và mang đậm dấu ấn của riêng mình. Người Nhật rất chuộng dùng namagashi để đem biếu, tặng. Một hộp quà namagashi điển hình thường có đủ 4 chiếc bánh tượng trưng cho 4 mùa trong năm, với ý nghĩa cầu chúc người nhận quanh năm được yên ổn, hạnh phúc. 3. Ukishima Gần giống với bánh bông lan của phương Tây, ukishima được tạo nên từ bột, trứng và đường. Song bánh lại được hấp thay vì nướng và việc sử dụng nguyên liệu quen thuộc đậu đỏ đã tạo cho ukishima một phong vị Nhật Bản rất riêng. Ukishima thường có nhiều tầng, vẻ đẹp của nó được thể hiện qua cách bài trí hài hòa mà vẫn phong phú giữa các tầng bánh. 4. Higashi Higashi còn được gọi là wagashi khô, bởi chúng được nén lại trong khuôn giống như bánh in. Higashi có vị ngọt thanh đặc trưng của đường mía wasambonto (loại đường thượng hạng quý hiếm từ quận Tokushima). Cách thức trang trí trên “bánh in” higashi rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi một vẻ đẹp độc đáo giữa muôn vàn loại wagashi khác. 5. Manju Vỏ bánh manju làm từ bột jojo (củ từ), ở giữa là nhân đậu, được nặn thành hình tròn gần giống với bánh bao của Việt Nam. Manju là loại bánh ưa thích của trẻ em, bởi chúng thường có hình dạng ngộ nghĩnh và bắt mắt. Loại manju nổi tiếng nhất là usagi manju – tức manju hình chú thỏ mặt trăng. 6. Yokan Yokan là một loại thạch làm từ bột rau câu truyền thống ở Nhật – kanten. Điều đặc sắc nằm ở chỗ, mỗi miếng yokan trong suốt sẽ lưu giữ một “bức tranh” đầy nghệ thuật, điển hình là cách trang trí yokan với những cánh hoa đào bên trong. Wagashi được xây dựng trên nền tảng những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc trong đời sống Nhật Bản. Từ những điều rất giản dị như vậy, món bánh ngọt này đã thăng hoa thành một nghệ thuật rất mực trang nhã. Tính chất này phần nào phản ánh nét đẹp trong văn hóa tinh thần của xứ anh đào: đề cao cái đẹp và khéo léo biến mọi khía cạnh của đời sống thường nhật – dù là vụn vặt nhỏ bé nhất trở nên đẹp hơn, tinh tế hơn.