Âm hưởng Việt Nam trong tiếng đàn piano ở Slovakia Tốt nghiệp Trung cấp Piano Nhạc viện Hà Nội năm 1986, Kiều Anh giành được suất học tại Học viện Âm nhạc Bratislava (Tiệp Khắc cũ, nay là CH Slovakia). Ra trường, Kiều Anh được giữ lại giảng dạy tại Nhạc viện và trường Năng khiếu Âm nhạc Bratislava. Rồi Kiều Anh gặp một nửa của mình. Cuộc sống gia đình hạnh phúc với hai đứa con ngoan, một công việc ổn định và đúng sở thích... Nhưng Kiều Anh không dừng lại ở đó. "Trong quá trình giảng dạy piano tại Slovakia, tôi rất bức xúc mỗi khi người Slovakia nói đến âm nhạc châu Á, họ hầu như chỉ biết đến âm nhạc Trung Quốc và Nhật Bản. Thế là tôi nghĩ đến những tác phẩm dành cho piano dựa trên những làn điệu dân ca Việt Nam mà tôi đã viết trong những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương... Mình có thể giới thiệu âm nhạc Việt Nam qua tiếng đàn piano, nhạc cụ phổ biến ở Slovakia". Chắc rằng hồi năm 1995, khi viết những tác phẩm piano nho nhỏ đầu tiên, Kiều Anh chỉ muốn nhờ tiếng đàn để diễn đạt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, để giãi bày những cảm xúc khó nói thành lời... Hẳn chị chẳng bao giờ nghĩ rằng tuyển tập Những bức tranh Việt Nam lại được hội đồng kiểm định của Bộ Văn hóa Slovakia đánh giá cao, nhờ đó tuyển tập piano của chị được Bộ Văn hóa Slovakia tài trợ và đưa vào kế hoạch in ấn và phát hành trong năm 2006. "Tôi rất hạnh phúc khi Những bức tranh Việt Nam được đưa vào giáo trình của Nhạc viện Bratislava. Dẫu thuộc từng nốt nhạc, từng hợp âm trong những tác phẩm này, nhưng mỗi lần ngồi trong khán phòng nghe những học sinh Slovakia biểu diễn báo cáo, tôi vẫn cảm thấy xúc động đến nghẹn ngào, và rất tự hào khi nhận được những lời khen ngợi của đồng nghiệp". Ngoài những tác phẩm piano dành cho học sinh trình độ trung cấp và sơ cấp, Kiều Anh còn sáng tác một số ca khúc và tác phẩm dành cho piano và nhạc dân tộc. Đó là những tác phẩm mà Kiều Anh thường biểu diễn khi tham gia những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Slovakia, cũng như trong những chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Slovakia. Niềm đam mê âm nhạc khiến Kiều Anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Những tác phẩm của chị cũng phản ánh điều đó, một sự kết hợp giữa kỹ thuật trình diễn của một loại nhạc cụ vua của phương Tây với những giai điệu mượt mà, dung dị mà rất đặc trưng của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà những ca khúc của chị có phần hơi khó thể hiện và đọng lại trong lòng người nghe ngay lần đầu tiên. Nhưng những tác phẩm khí nhạc của chị lại khác. Những khán giả nước ngoài luôn cảm thấy bất ngờ và ngạc nhiên trước những âm hưởng hương xa mà cây đàn piano quen thuộc với họ có thể tạo ra. Còn các học trò nhỏ của chị lại dễ dàng cảm nhận được sự mạnh mẽ của tác phẩm Con gà rừng, hay âm vang của núi rừng trong bài Chiếc chiêng cổ... Với những người Việt xa xứ, Đánh đu ngày xuân, Viếng chùa, Dịu xuân... mang lại cho họ những hoài niệm về quê hương... Có lẽ những tác phẩm khí nhạc của chị dễ đi vào lòng người hơn bởi nó bắt nguồn từ những chi tiết nhỏ nhất về quê hương trong nỗi nhớ cháy bỏng của người nghệ sĩ xa xứ... Với hai đứa con nhỏ, Kiều Anh không chỉ viết những Lời mẹ dặn, Mẹ, Con trai..., mà chị còn luôn dành thời gian để dạy con học nói tiếng Việt, và hằng ngày đều viết nhật ký bằng tiếng Việt... Vài năm, chị lại sắp xếp công việc đưa hai con về thăm nội ngoại. Năm nay, Kiều Anh trở về nhà vào những ngày cuối tháng 3, để được cùng bạn bè chia sẻ những kỷ niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn âm nhạc lớn của chị, người đã vẽ tặng chị khá nhiều tranh... Những bức tranh ấy chị vẫn đang giữ trang trọng trong ngôi nhà của mình ở Bratislava... Nhưng chị cũng đang nghĩ đến việc mang trở về quê hương những bức tranh của người nhạc sĩ tài hoa của đất nước, để chia sẻ với mọi người...